Thứ năm 23/01/2025 13:57

Nỗi niềm của giáo viên “vui vì được tăng lương, buồn vì bỏ phụ cấp thâm niên”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước thay đổi về chính sách cải cách tiền lương mới, nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại với cách tính lương mới, các khoản phụ cấp bãi bỏ và gộp chung thì mức lương sẽ không tăng lên quá nhiều, thậm chí giáo viên vẫn khó sống bằng chính tiền lương của mình.
Nỗi niềm của giáo viên “vui vì được tăng lương, buồn vì bỏ phụ cấp thâm niên”
Với chính sách tiền lương mới, lương giáo viên sẽ tăng lên, trong đó nhóm giáo viên trẻ là đối tượng được tăng lương đáng kể so với trước đó. Ảnh: Nguyễn Hương

Khi lương giáo viên vẫn “ba cọc ba đồng”

Chính sách cải cách tiền lương dành cho giáo viên đang là đề tài “nóng” trên các diễn đàn giáo dục và được nhiều thầy cô quan tâm. Nhiều giáo viên băn khoăn khi cải cách tiền lương mới, lương giáo viên sẽ thay đổi theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc sẽ có mức lương như nhau, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Điều này khiến nhiều giáo viên lo ngại mức lương tăng không nhiều, đặc biệt là các giáo viên đã công tác lâu năm.

Trước phản ánh từ phía giáo viên, cử tri (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đã gửi kiến nghị tới Bộ Nội vụ với nội dung: “Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ ngày 1/7/2018 sẽ tiến hành cải cách tiền lương, lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm 70% và 30% bao gồm các khoản phụ cấp. Nhiều giáo viên băn khoăn khi đó sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo, đặc biệt đối với các giáo viên đã công tác lâu năm. Cử tri mong muốn Bộ Nội vụ quan tâm khi xây dựng quy định mới để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề”.

Giải đáp băn khoăn của giáo viên, trả lời kiến nghị của cử tri (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) về nội dung kiến nghị nêu trên, tại công văn số 1005/BNV-TL ngày 27/2/2024, Bộ Nội vụ cho biết: khoản 3 mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã nêu: “thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”.

Căn cứ Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024, Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên như ý kiến của cử tri nêu) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Mặc dù chính sách cải cách tiền lương mới được Bộ Nội vụ khẳng định, “thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”, tuy nhiên, một số giáo viên bày tỏ thông tin còn chung chung, chưa nêu rõ việc “lương mới không thấp hơn lương hiện hưởng” cụ thể là con số bao nhiêu.

Cô giáo Đoàn Thị Nghiệp, giáo viên bộ môn Lịch sử, trường THCS Phong Vân (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: Việc xóa bỏ phụ cấp thâm niên thực sự rất thiệt thòi đối với những nhà giáo công tác lâu năm. Trường hợp của cô giáo Đoàn Thị Nghiệp, công tác từ năm học 1999-2000, thời gian đó nhận mức lương 160.000 đồng/tháng, sau đó nâng lên 180.000 đồng, 210.000 đồng và không có 2 tháng lương nghỉ hè. Thậm chí, lương tháng của nhà giáo không đủ mua 3 hộp sữa bột cho con.

Để bám trụ với nghề, cô giáo Đoàn Thị Nghiệp bươn chải nhiều công việc khác để có nguồn thu nhập trong sinh hoạt và cuộc sống. Hơn 20 năm công tác, việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên theo chính sách cải cách tiền lương mới thì những giáo viên công tác lâu năm sẽ chịu thiệt thòi, thậm chí tiền lương vẫn “giậm chân tại chỗ”.

“Không phủ nhận các giáo viên trẻ năng động, thông minh, tích cực phong trào đoàn, đội nhưng đội ngũ giáo viên có thâm niên công tác họ không chỉ dày dặn kinh nghiệm giảng dạy, việc có phụ cấp thâm niên còn là sự ghi nhận, tri ân những cống hiến với nghề của các thầy cô từ những giai đoạn khó khăn”, cô Đoàn Thị Nghiệp bày tỏ.

Cô giáo Tăng Thị Kiểm, giáo viên trường Mầm non Hoàng Diệu (Gia Lộc, Hải Dương) kỳ vọng vào chính sách cải cách tiền lương cho ngành giáo dục khi xác định lương giáo viên sẽ được điều chỉnh cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Đây là một tin vui với hơn 1,4 triệu giáo viên trên cả nước.

Gắn bó với nghề dạy trẻ mầm non từ năm học 1995-1996, ở khu vực nông thôn, thời điểm đầu lương hàng tháng chỉ được nhận mấy chục cân thóc. Từ giai đoạn 2004-2005, số lương nhận được 100.000 đồng/tháng và sau tăng lên vài trăm nghìn đồng. Hiện nay cô Tăng Thị Kiểm nhận lương theo hệ số bằng cao đẳng. Gần 35 năm gắn bó nghề giáo viên mầm non nhiều vất vả nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ, cô vẫn bám trụ với nghề.

Cô Tăng Thị Kiểm trăn trở: “Mặc dù với chính sách cải cách tiền lương mới, tính lương theo vị trí việc làm nhưng bãi bỏ phụ cấp thâm niên thì các giáo viên công tác lâu năm chịu nhiều thiệt thòi quá”.

Là giáo viên dạy môn Toán, giảng dạy 10 năm trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Thúy cho biết, thực hiện chính sách cải cách tiền lương mang lại niềm vui cho các thầy, cô giáo, giúp họ yên tâm công tác, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy bày tỏ: “Với cách tính lương mới, các khoản phụ cấp thay đổi, bãi bỏ phụ cấp thâm niên thì các giáo viên sớm được thông tin chi tiết về khoản phụ cấp theo nghề. Chúng tôi kỳ vọng mức lương mới không thấp hơn mức lương cũ trước kia. Cùng với đó là khoản phụ cấp theo nghề mới sẽ phù hợp, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo”.

Kỳ vọng chính sách cải cách tiền lương mới

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương mới, xếp lương theo vị trí việc làm, cơ cấu tiền lương cơ bản chiếm 70% và 30% gồm các khoản phụ cấp.

Đối với giáo viên là viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được chuyển xếp lương cũ sang bảng lương mới, bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay.

Trong đó, cơ cấu tiền lương của giáo viên theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với khu vực công được quy định: Lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm 30% tổng quỹ lương), tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Nội dung nổi bật chính sách cải cách tiền lương mới là sắp xếp lại các chế độ phụ cấp, trong đó bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Như vậy, với chính sách tiền lương mới, lương giáo viên sẽ tăng lên, trong đó nhóm giáo viên trẻ là đối tượng được tăng lương đáng kể so với trước đó.

Trên tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, thu nhập của giáo viên tăng so với mức lương hưởng hiện tại. Thứ hai, bổ sung thêm tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương, khuyến khích các nhà giáo nâng cao chất lượng, công tác giảng dạy.

Hơn nữa, quy định cải cách tiền lương mới xác định lương là thu nhập chính, bãi bỏ nhiều khoản thu nhập đặc thù như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngoài lương,… sẽ tạo công bằng, khoa học hơn trong trả lương cho giáo viên hiện nay.

Nhiều điểm mới trong cải cách tiền lương giáo viên năm 2024 Nhiều điểm mới trong cải cách tiền lương giáo viên năm 2024
Từ 1/7/2024, mức lương cơ bản của công chức, viên chức là bao nhiêu? Từ 1/7/2024, mức lương cơ bản của công chức, viên chức là bao nhiêu?
Từ 1/7/2024: Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương Từ 1/7/2024: Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động