Thứ năm 23/01/2025 11:06
Thảo luận Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)

"Nóng" việc tự chủ bệnh viện và giá các dịch vụ khám, chữa bệnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 6/1/2023, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Quang cảnh phiên họp chiều ngày 6/1/2023.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật; tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên gia, xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hướng tới thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế - Phải nêu rõ là tự chủ theo Luật nào?

Góp ý vấn đề kiên quan đến tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đề nghị cần có nguyên tắc về tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh rõ ràng hơn. Trong đó cần quy định cụ thể nguyên tắc về tự chủ tổ chức và nhân sự.

“Còn nếu đợi hướng dẫn của Chính phủ thì liệu hướng dẫn đó có phù hợp với suy nghĩ của đại biểu Quốc hội và mong muốn như vậy không? Vì trong tổ chức nhân sự, ngoài bộ máy, biên chế, tuyển dụng, có nội dung phải trả lương chính sách cho cán bộ và chưa có quy định nào cấp luật về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân giải thích thêm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật.

Về tài chính, đại biểu cho rằng, dự thảo nêu tự chủ theo quy định của pháp luật nhưng chưa rõ là theo Luật nào, đề nghị nên nêu rõ theo nguyên tắc tự chủ nào, và theo quy định pháp luật nào, sớm hoàn thiện để trình nội dung này.

Về thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến giá khám chữa bệnh, đại biểu cho rằng, Bộ trưởng Y tế chỉ hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá mà Luật Giá đã quy định. Cho rằng hiện nay có 19.150 dịch vụ kỹ thuật cần phải định giá, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn Bộ Y tế định giá gì. Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ xác định 10% giá dịch vụ kỹ thuật, 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm. Đại biểu băn khoăn hơn 42% chưa có giá dịch vụ thì ai chịu trách nhiệm, cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá nào? Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu Bộ Y tế chưa công bố giá, định giá thì cơ sở khám chữa bệnh được làm. Ngoài ra, đại biểu cũng cho ý kiến về cấp chuyên môn kỹ thuật.

Nhấn mạnh Luật càng phức tạp thì càng phải chặt chẽ, đại biểu cho rằng, không để nội dung trái với luật khác được quy định trong Luật này. Cần nhìn bài học 10 năm qua, những luật nào Chính phủ trình mà không kèm theo Nghị định thì sau này sẽ rất khó khăn, do đó đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị chỉ trình Luật này khi kèm theo Nghị định hướng dẫn để kiểm soát, đồng thời cần lấy ý kiến của 100 bệnh viện trên cả nước trước khi trình.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý về quy định tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước tại Điều 108, đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với quy định theo phương án 2, trong đó quy định cơ sở khám chữa bệnh tự đảm bảo chi thường xuyên, được quyết định giá dịch vụ khác…

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tại Điều 110 Dự thảo Luật cũng đã đưa ra hai phương án, đại biểu cho rằng phương án tốt nhất là phương án nhằm mục tiêu hướng đến các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Theo đó, giá bao gồm tích lũy để tái đầu tư và cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở phương pháp định giá do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực tế hiện nay phòng khám, trung tâm y tế huyện có giường bệnh và phòng khám đa khoa có chức năng và phạm vi hoạt động tương đối khác nhau. Do đó, thời gian qua các đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế trong các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Do vậy, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm trung tâm y tế, nhất là trung tâm y tế không có giường bệnh nội trú để cấp giấy phép hoạt động cho phù hợp với chức năng, tên gọi. Bên cạnh đó, cần làm rõ quy định về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh về việc chỉ định chế độ ăn cho bệnh nhân trong khám bệnh, chữa bệnh.

Năng lực về quản trị quyết định việc thực hiện tự chủ

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh. Tuy nhiên, các nội dung cụ thể của dự thảo luật lại chưa cụ thể hóa các nguyên tắc vừa nêu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Về tự chủ, đại biểu cho biết dự thảo quy định các đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, chi đầu tư, được quyền xác định giá, tự chủ về tổ chức, lao động, nhưng khi đọc kỹ dự thảo cho thấy các quyền này gần như không được thực hiện. Để tự chủ, điều quan trọng nhất là bệnh viện hay cơ sở khám, chữa bệnh phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề khám, chữa bệnh. Như vậy, năng lực về tự chủ hay năng lực về quyết định những vấn đề của bệnh viện phải là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định đơn vị đó có tự chủ hay không. Vì vậy, dự thảo phải đưa ra một điều hoặc mục quy định về điều kiện đơn vị khám, chữa bệnh được tự chủ.

Hơn nữa, tự chủ có nhiều mức khác nhau tuy nhiên trong dự thảo luật này chỉ đề cập đến một loại bệnh viện là tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, như vậy chưa phát huy, khuyến khích các bệnh viện từ các mức tự chủ thấp lên tự chủ cao.

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay đang quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy đại biểu cho rằng có 2 điều mâu thuẫn. Thứ nhất vô hình chung tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do nhà nước quy định, bởi được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Như vậy vô hình chung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ.

Mâu thuẫn thứ hai, giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân.

Quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ.

Cần phân luồng giá dịch vụ khám chữa bệnh

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng qua theo dõi thảo luận cho thấy còn 2 vấn đề đó là giá dịch vụ khám chữa bệnh và tự chủ bệnh viện.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng cần phân hai luồng giá viện phí. Một là giá được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả đấy. Đây là một vấn đề rất là quan trọng, Luật cần phải nêu rõ. Đây chính là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng và bảo hiểm xã hội, vai trò bảo đảm an sinh. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.

Hai là, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đại biểu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt. Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra.

Về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đây là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám, chữa bệnh thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống cấp cứu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Cơ quan soạn thảo đã quán triệt nguyên tắc lấy người bệnh là trung tâm

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH vào Dự thảo Luật.

Bộ trưởng khẳng định đây là dự án Luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, ảnh hưởng căn cốt lợi ích mỗi người dân, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án Luật khác. Cơ quan soạn thảo đã quán triệt nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, tiếp thu đầy đủ trên tinh thần cầu thị ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Liên quan đến nội dung về tự chủ trong cơ sở y tế công lập, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật quy định chung một số vấn đề mang tính nguyên tắc để có định hướng triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các cơ sở y tế. Với tầm nhìn lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội luật riêng về việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế… qua đó sẽ đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết các tồn tại, hạn chế đã tồn tại nhiều năm trong vấn đề này ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giải trình một số vấn đề các đại biểu đã nêu về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng cũng nêu rõ, việc thông qua dự án Luật trong Kỳ họp này là rất quan trọng đối với ngành y tế, để khắc phục những khó khăn, bất cập từ Luật hiện hành, giúp Chính phủ có đủ thời gian tham khảo ý kiến của các bên liên quan, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung Quốc hội đã thông qua; tạo tiền đề xây dựng các Luật khác liên quan đến phòng bệnh, bảo hiểm y tế, cấy ghép mô…

Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ Chính phủ trong việc sớm thông qua dự án Luật quan trọng này.

Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động