Thứ năm 23/01/2025 03:07

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngành du lịch Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Tuy nhiên, phát triển du lịch Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, tồn tại cần tháo gỡ.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Du khách quốc tế khám phá Hà Nội bằng dịch vụ xe xích lô. Ảnh: Hoài Nam

Ngày 19/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở du lịch địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch và các ban, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong khẳng định, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch 2017 là chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của Đảng, Nhà nước để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, thế mạnh và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ nhận định, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta về định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Nghị quyết 08-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa quan trọng, dấu ấn trong lịch sử phát triển của ngành Du lịch. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, du lịch Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 2024, ngành du lịch đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.

“Sự tăng trưởng của ngành du lịch tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc” – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ cho hay.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, hiện nay, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển, nhiều địa phương không có đầy đủ tiềm năng, nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí...

Liên quan Luật Du lịch 2017, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, sau 7 năm triển khai thực hiện Luật, hệ thống pháp luật du lịch nhìn chung đã thể hiện sự linh hoạt, cập nhật kịp thời các quy phạm phù hợp luật chung và phù hợp với thực tiễn phát triển du lịch; khẳng định rõ vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường du lịch phát triển bền vững.

Công tác quản lý tài nguyên du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn du lịch trên địa bàn, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm tại khu du lịch, điểm du lịch, nơi tập trung nhiều khách du lịch đã đạt được những kết quả tích cực hơn, góp phần từng bước cải thiện chất lượng điểm đến du lịch và môi trường du lịch…

Đại diện Sở Du lịch TP Hà Nội đề xuất: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số ngành du lịch, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung kết nối với hệ thống của các địa phương; xây định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, có chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, như: xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn, uy tín để xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá tổng thể du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông này; phối hợp với các thương hiệu quốc tế uy tín trong các lĩnh vực phục vụ hoạt động du lịch để định vị thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao.

Ngành du lịch đặt mục tiêu, đến năm 2025 phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Phấn đấu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP.

Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỉ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Mùa cải vàng ven sông ở Hà Nội
Khám phá phố ẩm thực đêm đầy sôi động tại trung tâm Hà Nội
Ba Vì hướng tới mục tiêu phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động