Thứ năm 23/01/2025 12:04

Phát triển mô hình chăn nuôi ứng dụng IOT tại Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, thời gian qua, mặc dù, các mô hình chăn nuôi ứng dụng hệ thống IOT đã dần đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, đến thời điểm này, các mô hình hiện có trên địa bàn TP Hà Nội quy mô chưa lớn. Thời gian tới, để phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi IOT, Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp…
Mô hình nuôi gà D310 của Công ty Dabaco (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - D310 là một giống gà của Dabaco, ổn định về tỷ lệ đẻ trứng, cho năng suất cao. Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội
Mô hình nuôi gà D310 của Công ty Dabaco (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - D310 là một giống gà của Dabaco, ổn định về tỷ lệ đẻ trứng, cho năng suất cao. Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

Các mô hình chăn nuôi ứng dụng IOT có quy mô chưa lớn

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2023, TP Hà Nội có với 128 khu chăn nuôi tập trung gồm: 11 khu chăn nuôi bò sữa, 67 khu chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, 106 khu chăn nuôi lợn, 98 khu chăn nuôi gia cầm, với 6.381 trang trại chăn nuôi (bao gồm 130 trang trại lớn, 1.593 trang trại vừa, 4.658 trang trại nhỏ).

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp thông minh (IOT) trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi. Các mô hình ứng dụng hệ thống IOT đã dần đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của TP.

Mô hình chăn nuôi ứng dụng IOT đã có mặt ở hầu hết các quận, huyện có sản xuât nông nghiệp và tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Hiện có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản (Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội, ...) và 3 HTX chăn nuôi đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp thông minh.

Ông Nguyễn Đình Đảng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay, TP Hà Nội có 6.381 trang trại chăn nuôi (bao gồm 130 trang trại lớn, 1.593 trang trại vừa, 4.658 trang trại nhỏ). Nhưng, trên địa bàn TP mới chỉ có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản và 3 HTX chăn nuôi tham gia đầu tư vào nông nghiệp thông minh, ứng dụng IOT vào quá trình sản xuất, chăn nuôi.

Cùng với đó, toàn TP Hà Nội cũng chỉ có 557 trang trại (trong tổng số 6.381 trang trại chăn nuôi) sử dụng công nghệ chuồng kín, ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường, trong đó có 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi vịt trên sàn nhựa).

Ông Nguyễn Đình Đảng cho biết, với số lượng mô hình và trang trại như trên thì nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế trong phát triển chăn nuôi của Hà Nội - địa phương luôn đứng trong top đầu cả nước về chăn nuôi.

“Thời gian qua, mặc dù, các mô hình ứng dụng hệ thống IOT đã dần đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của TP. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất chăn nuôi ứng dụng IOT hiện có trên địa bàn TP Hà Nội quy mô chưa lớn” - ông Nguyễn Đình Đảng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, sở dĩ quy mô các mô hình sản xuất chăn nuôi ứng dụng IOT hiện có trên địa bàn TP Hà Nội quy mô chưa lớn là do hiện nay việc ứng dụng IOT vào chăn nuôi hiện chưa đồng bộ, toàn phần mà chủ yếu ứng dụng một hoặc vài khâu trong sản xuất, sở chế, chế biến.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, thu hút đầu tư ứng dụng nông nghiệp thông minh còn nhiều bất cập do vốn lớn, quỹ đất hạn chế, chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng… cao hơn so với các tỉnh, TP lân cận. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông minh còn hạn chế.

Ngoài ra, hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi cho chuyển đổi nông nghiệp minh còn ít, chủ yếu vẫn dựa vào kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ, không thuận lợi cho việc kích thích liên kết chuỗi giá trị và áp dụng nông nghiệp thông minh.

Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa nông nghiệp

Ông Nguyễn Đình Đảng cho biết thêm, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ứng dụng nông nghiệp thông minh, thời gian tới, Hà Nội cần rà soát, đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của TP. Xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế; đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Có kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất. Tổ chức tập trung ruộng, tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng nông nghiệp thông minh vào chăn nuôi; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh để đề nghị Trung ương, TP chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế.

TP Hà Nội cần tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành sản xuất, chế biến, bảo quản thức ăn về chăn nuôi tại các nước có nền nông nghiệp tiên tiến và các viện, trường, các trung tâm đào tạo ứng dụng nông nghiệp thông minh. Tập huấn kỹ thuật cho người lao động trong các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất trong các vùng, khu, trang trại, HTX chăn nuôi ứng dụng nông nghiệp thông minh có nhu cầu bồi dưỡng về ứng dụng nông nghiệp thông minh trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đình Đảng cho rằng, TP Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa nông nghiệp như: ngành chế tạo máy nông nghiệp, ngành hóa chất nông nghiệp, ngành sinh học, ngành sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, thiết bị giết mổ, máy chế biến thức ăn, chế biến gia súc, gia cầm.

Tăng cường tổ chức tham gia chợ, hội chợ, triển lãm về nông nghiệp thông minh nhằm tạo nơi giao dịch nông nghiệp thông minh để các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy hoạt động nông nghiệp thông minh.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet (từng bước hình thành website hoặc chuyên trang trên website của TP Hà Nội về nông nghiệp thông minh trong chăn nuôi Hà Nội) để cho mọi người dân có thể tiếp cận.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến thời điểm hết tháng 9/2023, Hà Nội hiện có tổng đàn trâu hiện có 28,9 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 129,6 nghìn con, giảm 0,1%. Chăn nuôi lợn tiếp tục xu hướng tăng đàn, số lượng lợn hiện có ước đạt 1,48 triệu con, tăng 4,9% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 41,9 triệu con, tăng 2,2% (đàn gà 28 triệu con, tăng 2,2%).

Tính chung 9 tháng năm 2023, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.560 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò đạt 8.017 tấn, tăng 0,2%; thịt lợn đạt 188 nghìn tấn, tăng 7,4%; thịt gia cầm đạt 121 nghìn tấn, tăng 0,5% (thịt gà 90,8 nghìn tấn, tăng 0,1%); trứng gia cầm 2.107 triệu quả, tăng 3,7% (trứng gà 1.035 triệu quả, tăng 0,5%).

Ứng dụng công nghệ phần mềm quản lý, gắn chíp để đảm bảo chất lượng sản phẩm chăn nuôi
Hà Nội: Xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi để phát triển bền vững
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động