Thứ sáu 24/01/2025 07:44

Phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chiêu trò” hút khán giả?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hình thức phát hành gây ồn ào với hai bản phim điện ảnh, nội dung phim hư cấu gây tranh cãi là “nước cờ thông minh” nhưng có phần mạo hiểm tạo sức hút khán giả.
Phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chiêu trò” hút khán giả?
"Em và Trịnh" cán mốc doanh thu hơn 70 tỉ đồng sau 10 ngày công chiếu

Một kịch bản, hai số phận

Sức hút đầu tiên bộ phim điện ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là cùng lúc phát hành 2 phiên bản điện ảnh “Em và Trịnh” và “Trịnh Công Sơn”. Cả hai phim đều có chung một kịch bản và một đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Điểm khác của 2 phiên bản điện ảnh, nếu “Em và Trịnh” khắc họa một Trịnh Công Sơn đời thường thì phiên bản “Trịnh Công Sơn” mang hơi hướng phim thần tượng.

Bộ phim “Em và Trịnh” có thời lượng 136 phút, bối cảnh trải dài 3 thập kỷ, kể câu chuyện cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trung niên (NSƯT Trần Lực thủ vai) đầy trầm lắng, tâm tư với tình yêu và âm nhạc. Ngoài tiểu sử nhân vật chính, nội dung “Em và Trịnh” có thêm tuyến Michiko.

Âm nhạc và những “bóng hồng” gắn bó với nhạc sĩ giai đoạn này cũng là mảng đề tài tạo sức hút với khán giả. Những thước phim tươi tắn, cảm động, khai thác câu chuyện tình đầy thi vị của người nhạc sĩ tài hoa.

Cũng khai thác chủ đề tuổi trẻ, nhưng phiên bản điện ảnh “Trịnh Công Sơn” có thời lượng rút gọn 95 phút, là câu chuyện về thời thanh xuân của cố nhạc sĩ (do Avin Lu thủ vai). Bộ phim khắc họa chân dung một chàng thư sinh đa tài lãng tử rồi trở thành “nhạc sĩ viết tình ca hay nhất thế kỷ” với ca khúc về tình yêu, thân phận con người.

Ngay từ khi trình làng, hai phiên bản cùng đề tài, khác biệt về lối khai thác đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Việc chia nhỏ tác phẩm cùng đề tài tạo cảm giác thú vị, tò mò nhưng cũng có phần mạo hiểm cho nhà sản xuất.

Thời gian đầu, nhờ hiệu ứng truyền thông, khán giả chen chân rạp chiếu, các suất chiếu liên tục “cháy vé”, thậm chí phải mở suất chiếu vào đêm khuya để phục vụ khán giả.

Trái ngược với kỳ vọng trước đó, khán giả cảm thấy hụt hẫng khi hai phiên bản không có nhiều khác biệt. Kết quả, phiên bản “Trịnh Công Sơn” sau những ngày chiếu sớm, doanh thu thấp đã phải rút phim khỏi rạp và nhường suất chiếu còn lại cho phiên bản “Em và Trịnh”. Phim “Trịnh Công Sơn” cũng là bộ phim đầu tiên bị “khai tử” từ giai đoạn sneakshow.

Ngoài hình thức phát hành gây ồn ào thì nội dung phim hư cấu về Trịnh Công Sơn cũng tạo dư luận trái chiều. Bên cạnh lời khen phim giàu cảm xúc, hình ảnh đẹp thì không ít ý kiến chê phim hời hợt, khắc họa một Trịnh Công Sơn không xứng tầm, thậm chí có ý kiến đánh giá bộ phim đã hạ thấp tài năng và nhân cách của cố nhạc sĩ.

Mặc những khen chê gay gắt, “cơn bão” truyền thông đã tạo sức hút lớn, dễ dàng kéo khán giả đến rạp. Nhất là phim “Em và Trịnh” phát hành đúng thời điểm không có nhiều phim “bom tấn” Hollywood cũng như phim nội địa cạnh tranh ngoài rạp.

Thời điểm hiện tại, phim “Em và Trịnh” là một trong những từ khóa “nóng” nhất, liên tục được nhắc đến trên các nền tảng mạng xã hội. Trên nền tảng Tiktok, hashtag #EmvaTrinh đang có hơn 200 triệu view với nhiều content đa dạng của giới trẻ làm về phim, song song đó hashtag #TikTokvaTrinh cũng thu hút hơn 50 triệu view với 2 cuộc thi đặc biệt dành cho giới trẻ “Cùng Trịnh trở về thập niên 1960” và “Ngôi sao nhạc Trịnh”.

Phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chiêu trò” hút khán giả?
Chiến lược truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội thu hút đông đảo giới trẻ tham gia

Trước “bão” truyền thông, nhà làm phim nói gì?

Xung quanh tranh cãi về bộ phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, ngay khi làm phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh đã lường trước những khen chê khác nhau. Bộ phim sau hoàn tất, phần còn lại thuộc về khán giả. Việc khán giả yêu hay ghét bộ phim, đó làm cảm xúc của họ.

Dưới góc độ một nhà làm phim, anh đã làm hết sức để truyền tải nội dung kịch bản tới khán giả. Dư luận đánh giá khen – chê là niềm vui với những người làm phim, bởi bộ phim ít nhiều chạm tới cảm xúc cho khán giả.

“Mỗi khán giả đều có một Trịnh Công Sơn của riêng mình, họ có thể sẽ thích và không thích cách chúng tôi tiếp cận về Trịnh. Nhưng dù thế nào, tôi nghĩ rằng, với bộ phim này – chúng tôi đã có một di sản về Trịnh mà cá nhân tôi có thể tự hào trong nhiều năm về sau”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ.

Điều nuối tiếc duy nhất là bộ phim “Em và Trịnh” được lên kế hoạch sản xuất từ năm 2019, phim dự kiến ra mắt năm 2021 – kỷ niệm 20 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001-2021), nhưng do dịch bệnh nên phải đến 2022 mới ra rạp.

Với vai trò là khán giả, cố vấn kịch bản “Em và Trịnh”, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cảm nhận khi xem phim “Em và Trịnh” khá hài lòng về tác phẩm. Chỉ có điều tiếc nuối là trước khi quay phim, đoàn phim dự định sẽ sang Pháp để quay lại chặng thời gian chống Pháp nhưng dịch Covid-19 kéo dài, kế hoạch không thực hiện được.

Bày tỏ ý kiến khen chê của khán giả, bà Trịnh Vĩnh Trinh tôn trọng và thấu hiểu. Thực tế đây là một phim hư cấu về Trịnh Công Sơn chứ không phải phim tư liệu về cuộc đời Trịnh Công Sơn. Bộ phim tiếp cận số đông khán giả nên cần hư cấu để thêm màu sắc.

Điều lạ là, phim càng gây tranh cãi, càng thu hút khán giả đến rạp. Sau 10 ngày tuần công chiếu, “Em và Trịnh” đạt doanh thu hơn 74 tỉ đồng (theo Box Office Việt Nam) và kỳ vọng sẽ là bộ phim Việt năm 2022 đạt doanh thu 100 tỉ đồng.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn tái khởi động có gì hấp dẫn?
Lý do phim điện ảnh "Trịnh Công Sơn" rút khỏi rạp chiếu ?
Giữa "bão" ngừng chiếu "Trịnh Công Sơn", Khánh Ly về nước làm tour diễn cuối cùng
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động