Thứ sáu 24/01/2025 04:11
Giải pháp cho phim Việt thời kỳ hậu Covid-19:

Phụ thuộc vào nhà sản xuất và đơn vị phát hành liệu đã đủ?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tuần vừa qua, Bộ Văn hóa- thể thao và du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với các cụm rạp ở TP HCM tổ chức hội thảo “Thúc đẩy điện ảnh Việt Nam hậu Covid-19”. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông nhận định, việc kéo khán giả quay trở lại rạp chiếu phim phụ thuộc vào nhà sản xuất cùng đơn vị phát hành.

Tuy nhiên, vấn đề vực dậy một ngành sau khủng hoảng chưa bao giờ dễ dàng và nếu chỉ có sự tham gia của nhà sản xuất, đơn vị phát hành phim thì liệu đã đủ để điện ảnh có thể khởi sắc trở lại những tháng cuối năm?

Chất lượng phim vẫn là quan trọng hàng đầu

Rõ ràng, 9 tháng điện ảnh ảm đạm là điều có thể nhìn thấy ngay, từ chính lượng vé bán ra và những hàng ghế vắng khán giả ở các cụm rạp. Một năm chỉ toàn tin hoãn, hủy chiếu, chúng ta vẫn thấy các nhà sản xuất Việt cố gắng duy trì phim nội, khi mà vẫn có những phim Việt - dù ít ỏi ra rạp.

Nhưng phim ra rạp thời điểm này vẫn gặp khó. Sau khi mở cửa trở lại, các hệ thống rạp chiếu phim vẫn đìu hiu, vắng bóng khán giả. Nguyên do xuất phát từ tâm lý lo ngại của người dân khi dịch bệnh chưa chấm dứt. Mặt khác, các nhà sản xuất không dám đưa phim mới ra công chiếu vì sợ rủi ro.

Việc hoãn, hủy chiếu đồng nghĩa với nhà sản xuất bị đội thêm chi phí, không ai muốn hoãn phim cả, nhưng khi chưa đo đếm được thị trường và tâm lý khán giả sau dịch bệnh thì việc đưa phim ra rạp (dù một mình một lịch chiếu) gần như là một bước đi nhiều may rủi.

Lý Hải cho biết, bộ phim “Lật mặt 5” do anh vừa là sản xuất vừa là đạo diễn phải dời từ 30-4-2020 đến Tết Nguyên Đán 2021. “Nếu không vì dịch bệnh, chúng tôi không bao giờ dời lịch chiếu. Việc dời lịch khiến số tiền đầu tư tăng thêm. Bình thường, một bộ phim phải đầu tư 4-5 tỷ đồng cho kế hoạch PR.

Và tôi đã mất 1/3 số tiền PR vì phim dời lịch. Tiếp đó, nếu phim ra mắt vào dịp Tết, tôi ước tính số tiền dành cho PR phải tăng nhiều, lên 6-8 tỷ đồng mới đủ sức để kéo khán giả tới rạp” – Lý Hải nói.

Việc điện ảnh thế giới chưa phục hồi, khiến hầu như tất cả các phim bom tấn Hollywood năm nay dời lịch chiếu sang năm sau cũng khiến khán giả gần như… quên mất thói quen ra rạp. Và ở thời điểm này, cách để kéo khán giả đến rạp hơn bất cứ lí do nào khác là chất lượng phim nội phải nâng tầm một bậc. Phim Việt có cơ hội để chinh phục khán giả trong nước hay không, trước hết chính là bằng chính chất lượng và nội dung của mình.

Khi hội thảo diễn ra, có rất ít phim Việt đã công chiếu được khen ngợi. Chỉ duy nhất “Ròm” (sau hai lần hoãn chiếu) đã chính thức đến với khán giả trong nước. Và khả quan là “Ròm” đã có lượng vé đặt nhiều tín hiệu vui.

Phim đã được đặt trước 20.000 vé, cao hơn “Bán đảo (Peninsula)” - phim nước ngoài ăn khách nhất ở Việt Nam thời Covid-19. So với các phim Tết có doanh thu hơn trăm tỷ đồng, “Ròm” cũng được đặt trước nhiều hơn vì khán giả xem phim Tết có thói quen ra thẳng rạp mua vé.

“Ròm” có được sự quan tâm ở thời điểm này bởi trước hết là ở những giải thưởng mà phim đã vinh dự nhận về, trong đó, nổi bật nhất là giải New Current tại Liên hoan phim Busan 2019. Nhưng bản thân “Ròm” cũng gây chú ý nhờ câu chuyện truyền cảm hứng về 8 năm làm phim của đạo diễn Trần Thanh Huy.

Khi chiếu ra mắt, “Ròm” nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng: ca sĩ Mỹ Tâm, diễn viên Trấn Thành, Thanh Hằng, Kiều Minh Tuấn, rapper Karik, đạo diễn Charlie Nguyễn, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh... Và vì thế, giới điện ảnh Việt đang hi vọng phim có doanh thu tốt để tạo động lực cho phim Việt ra mắt cuối năm nay.

phu thuoc vao nha san xuat va don vi phat hanh lieu da du
Dù muốn thúc đẩy phòng vé Việt, nhưng một loạt nhà sản xuất vẫn phải dời lịch phim sang tận 2021 vì lo ngại thị trường phim Việt chưa thể phục hồi ngay trong năm 2020. (Ảnh từ phim “Trạng Tí”)

Chính sách thúc đẩy điện ảnh phải thông thoáng và cởi mở hơn

Đúng là trước tiên phải có phim chất lượng, muốn vậy, nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Từ các khâu chọn kịch bản, phát triển nội dung, đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật làm phim… mọi thứ đều cần tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Và đơn vị phát hành là những người đồng hành quan trọng trong công cuộc đưa phim Việt ra rạp thời kỳ hậu Covid-19.

Đại diện hệ thống rạp chiếu phim CGV khẳng định sẽ hỗ trợ 100% cho các phim Việt ra mắt trong bối cảnh hiện tại. Các nhà rạp như Galaxy, BHD cũng sẽ chung tay và có các hành động cụ thể để thuyết phục các nhà sản xuất lẫn khán giả trong việc đưa phim Việt sớm quay lại.

Tuy nhiên, sự bắt tay của nhà sản xuất, của đơn vị phát hành có lẽ chưa đủ. Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách kịp thời trong việc tạo ra không gian thưởng thức nghệ thuật an toàn cho khán giả và có biện pháp để giảm thiểu rủi ro, hạn chế gánh nặng kinh tế với nhà sản xuất, phát hành.

Trong đó, những kiến nghị về miễn giảm thuế, hoãn nộp thuế của Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam vẫn đang chờ được xem xét.

Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh có hai phim bị dời lịch chiếu năm 2020 gồm “Trạng Tí” và “Tiệc trăng máu” cho rằng: “Các nhà phát hành cần có khảo sát xã hội học, hỏi khán giả vì sao ít đến rạp phim so với trước. Từ đó, chúng ta mới giải quyết triệt để vấn đề”. Khảo sát người xem ở thời điểm này rất đúng đắn, bởi chúng ta phải biết vì sao khán giả vẫn chưa nhiệt tình quay lại rạp, thì mới có biện pháp khắc phục cụ thể, đúng và trúng vấn đề.

Chính các nhà phát hành phim Hollywood cũng còn đang tính lên tính xuống cho ngày ra rạp của phim bom tấn, thì việc chúng ta chỉ kêu gọi “chung chung” là khán giả hãy đến rạp chưa hẳn đã giúp phòng vé khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2020.

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động