Quản lý chặt xe hợp đồng trá hình lộng hành
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXe limousine hợp đồng trá hình đón khách tại phố ngã tư Vọng, Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: TA |
Xe hợp đồng sẽ bị quản chặt
Vấn nạn xe hợp đồng trá hình đã và đang gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Không khó để bắt gặp các loại xe du lịch, xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô. Những xe này thường thuộc về các doanh nghiệp vận tải có văn phòng ở khắp nơi trong nội đô. Văn phòng là điểm bán vé, cũng là nơi nhà xe đón khách.
Theo ghi nhận, các xe hợp đồng trá hình phủ kín, xuất hiện tại các ngóc ngách trong các khu vực gần bến xe. Khung giờ hoạt động liên tục từ 5h30 cho đến 24h, mỗi nhà xe trung bình cứ 2 tiếng sẽ có 1 chuyến. Vào giờ cao điểm, dọc tuyến phố của các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa… các xe dạng limousine phi như “tên lửa”. Nhiều nhà xe tăng cường 2-3 xe đi vào 1 khung giờ cao điểm nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.
Điển hình như nhà xe Trần Anh có văn phòng tại số 12 đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), nhận hành khách và chuyển phát hàng hóa từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bằng xe giường nằm; nhà xe Dũng Minh có văn phòng tại số 92 đường Trần Vỹ (quận Cầu Giấy) chuyên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh.
Cũng trên đường Trần Vỹ còn có văn phòng của các nhà xe Phú Quý, Mạnh Chiến… Song nhiều văn phòng nhất có lẽ phải kể tới Công ty TNHH X.E Việt Nam, số 71 phố Trần Nhân Tông, số 74 phố Vọng (quận Hai Bà Trưng); số 4 phố Thọ Tháp, số 43 phố Nguyễn Quốc Trị (quận Cầu Giấy)...
Xe limousine hợp đồng trá hình đón khách tại phố ngã tư Vọng, Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: TA |
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (CATP Hà Nội) cho biết, quá trình làm nhiệm vụ lực lượng công an thường xuyên xử phạt các xe khách chạy tuyến cố định, xe hợp đồng cố tình vi phạm giao thông. “Khi lực lượng chức năng tuần tra, cắm chốt làm nhiệm vụ, các nhà xe sẽ báo cho nhau biết thông qua nhiều cách thức từ gọi điện, nhắn tin hoặc lên cả mạng xã hội để tìm cách né tránh, luồn lách trong những tuyến đường nhỏ hoặc lập hợp đồng khống gây khó khăn cho công tác xử lý của lực lượng Cảnh sát giao thông”, Trung tá Phạm Văn Chiến cho biết.
Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội cũng cho biết, sẽ tăng cường kiểm soát các vi phạm liên quan đến xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định gây ùn tắc giao thông. Đồng thời, qua trích xuất camera giám sát hành trình, lực lượng chức năng sẽ xử nghiêm các vi phạm khác của tài xế trong quá trình cầm lái như không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại.
Cần tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, hiện nay, tình trạng các xe vận chuyển hành khách hoạt động theo kiểu mập mờ, trá hình, gọi là xe hợp đồng nhưng gom khách lẻ, xe tuyến cố định bỏ bến chạy dù đang diễn ra tràn lan, đặc biệt trong dịp Tết - thời điểm nhu cầu sử dụng xe tăng cao so với ngày thường. Xe hợp đồng trá hình, xe “chạy dù” bỏ bến này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không nộp thuế phí đầy đủ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và làm ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh vận tải hợp pháp.
Đối với xe trá hình, xe hợp đồng nhưng gom khách lẻ, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Qua đó, xe trên 8 chỗ (không kể chỗ người lái) thắt chặt hơn từ việc phải có hợp đồng, phải có phù hiệu “xe hợp đồng”, không được đón khách ngoài điểm đã ghi trong hợp đồng, không được bán vé, thu tiền ngoài hợp đồng,… phải xuất trình được hợp đồng vận tải khi cơ quan chức năng kiểm tra nhằm siết chặt các xe trá hình.
Các hành vi điều khiển xe vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng bằng văn bản giấy không có hoặc không mang theo danh sách hành khách, đón trả hành khách không đúng địa điểm ghi trong hợp đồng bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo điểm đ, g khoản 5 Điều 20, Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định theo khoản 4 Điều 20, Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Ngoài ra, có nhiều loại phương tiện hiện nay vận hành tự phát, không kê khai đóng thuế cho Nhà nước, gây thất thoát ngân sách nếu có cơ sở còn có thể bị xử lý về các hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật nếu các cá nhân, tổ chức này thực hiện các hành vi trốn thuế.
Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (CATP Hà Nội) xử phạt một trường hợp xe limousine hợp đồng trá hình. Ảnh:TA |
Luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, tuy đã được quy định rõ về các điều kiện liên quan nêu trên nhưng tình trạng xe hợp đồng trá hình vẫn còn tồn tại, không tuân thủ các quy định nêu trên nhưng vẫn đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Các đối tượng còn đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng số như internet, mạng xã hội… Loại hình xe hợp đồng trá hình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, làm tăng nguy cơ gây ùn tắc giao thông, gây thất thu thuế của Nhà nước.
Việc phát hiện và xử lý đối với các trường hợp xe hợp đồng trá hình hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thường sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như hợp thức hóa hợp đồng, điểm đến, điểm đi… để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Đồng thời, việc gom khách lẻ được thực hiện trên nhiều nền tảng, cách thức khác nhau nên cũng khó quản lý và kiểm soát.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, thời gian tới, để quản lý tốt hơn đối với loại hình xe hợp đồng trá hình cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát bằng phương tiện điện tử, phần mềm để nâng cao hiệu quả của công tác phát hiện vi phạm. Cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với cơ quan Thuế để gửi thông tin các trường hợp vi phạm đã bị xử phạt hành chính để cơ quan Thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra việc kê khai thuế, nộp thuế của người vi phạm có đúng theo quy định hay không? Đối với các trường hợp nghiêm trọng, điển hình, cần xử lý nghiêm và công bố rộng rãi để làm gương, mang tính răn đe.
“Để đảm bảo quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải vừa tạo thuận lợi cho người dân, các cơ quan quản lý cũng có thể xem xét tăng tần suất xuất bến tại các bến xe, đưa vào hoạt động xe trung chuyển đón trả người dân ra bến xe và về tận nhà, giúp giảm thời gian chờ đợi tại các bến xe, thu hút hành khách”, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết. |
Hà Nội tăng cường quản lý phương tiện vận chuyển học sinh | |
Các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại