Thứ hai 14/04/2025 03:50
Dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hoá:

Quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Để thực hiện Chiến lược trên, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung nhiều điểm mới, tiến bộ cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới
Khán giả chật kín tại Rạp Chiếu phim Quốc gia, chờ mua vé xem “Đào, phở và piano”. Ảnh: Mộc Miên

Phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy kinh tế sáng tạo và du lịch văn hóa

Theo dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hoá (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô) đang được TP Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân, Trung tâm công nghiệp văn hoá là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá theo quy định của Nghị quyết này. Khu vực có lợi thế về vị trí không gian văn hóa là nơi có một hoặc một số yếu tố tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển hệ sinh thái sáng tạo, khả năng tập hợp, quy tụ đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá và các điều kiện thuận lợi khác trong việc bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy kinh tế sáng tạo và du lịch văn hóa.

Nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa là phải bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô; việc lập quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan; kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, việc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa sẽ tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa; kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, hiệu quả đầu tư được tính toán hài hoà, dài hạn trên tổng thể lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và lợi ích của toàn xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Lĩnh vực hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Trao đổi với PV, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải nhận định: “Trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, điện ảnh nên là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Trên thực tế, bản thân việc sản xuất phim đã bao gồm rất nhiều khâu thuộc các lĩnh vực khác nhau: nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế… vì nó liên quan đến cả sản xuất, đầu tư và phát hành phim. Sản xuất phim cũng cần có sự kết nối, tiêu chuẩn đồng bộ giữa các công đoạn, các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như đạo diễn, diễn xuất, quay phim, âm nhạc, dựng phim… để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Do đó điện ảnh luôn có tính công nghiệp ngay trong bản chất của nó.

Trong khi đó, Hà Nội là thành viên “Mạng lưới thành phố sáng tạo”, có bề dày lịch sử, mật độ di tích dày đặc, hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc, nhiều cảnh đẹp, nguồn lực con người dồi dào,… Đây chính là tiềm năng lớn để ngành điện ảnh có thể khai thác, bắt tay với nhiều lĩnh vực khác như du lịch văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, thời trang, âm nhạc, thiết kế,… để cùng “cất cánh, từ đó góp phần quan trọng vào việc quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới”.

Hợp tác quốc tế về công nghiệp văn hóa

Theo Dự thảo Nghị quyết, hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa gồm các nội dung: dịch vụ tư vấn, hỗ trợ sáng tạo và sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa; dịch vụ hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ văn hóa; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm văn hóa; xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm văn hóa trong nước và nước ngoài; cung cấp dịch vụ về hạ tầng, cơ sở vật chất; dịch vụ tổ chức hoạt động trưng bày, biểu diễn, triển lãm và sự kiện văn hóa khác; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; hoạt động hỗ trợ hợp tác và phát triển; hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động hợp tác quốc tế về công nghiệp văn hóa.

Về các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế về công nghiệp văn hóa, cụ thể trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, các hoạt động này sẽ giúp ngành điện ảnh Thủ đô phát triển, có sự đổi mới tương ứng với những nền điện ảnh của các quốc gia phát triển khác. Các hoạt động này có thể bao gồm những chính sách cụ thể như định mức cho chiếu phim, nhập khẩu phim, việc nới lỏng kiểm duyệt, việc tổ chức các quỹ điện ảnh mang tầm quốc gia, việc tổ chức đào tạo ngành sản xuất phim theo những kỹ năng chuẩn mực của điện ảnh thế giới, việc khuyến khích các phim nước ngoài, nơi có nền điện ảnh tiên tiến, được quay phim tại Hà Nội, để tăng cường khả năng học hỏi, thích ứng, nâng cao tính chuyên nghiệp cho điện ảnh nội địa và đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước khi điện ảnh có thể kích cầu du lịch phát triển,…

“Hà Nội cần có đường lối phát triển điện ảnh mang tầm chiến lược, từ chiến lược đó, chúng ta nên nghiên cứu học hỏi, hội nhập ngay với thế giới về các lĩnh vực đang rất cấp thiết hiện nay. Ví dụ như giáo dục điện ảnh và quỹ điện ảnh. Về mặt giáo dục điện ảnh, chúng ta cũng cần có sự đổi mới trong các trường, các khoa điện ảnh để cập nhật các phương pháp, quan niệm làm phim mới nhất của thế giới.

Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục điện ảnh ở Việt Nam hiện nay, rất thiếu vắng việc đào tạo nhà sản xuất phim, một trong những khâu quan trọng của điện ảnh. Nhà sản xuất phim chính là người cần có hiểu biết về thẩm mỹ điện ảnh không kém gì các nhà làm phim và có những kỹ năng về tài chính, về sản xuất phim và thu hút nhà đầu tư. Việc mở rộng đào tạo lĩnh vực này ở Việt Nam là cực kỳ cần thiết” - đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải nhấn mạnh.

Quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải

Trong Dự thảo Nghị quyết, Điều 14 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa có nêu rõ: Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được ngân sách nhà nước các cấp của TP hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của TP.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải rất ủng hộ chính sách này vì chính sách cho thấy sự quan tâm, đầu tư của TP dành cho phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố rất quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Theo nam đạo diễn, nếu được hỗ trợ vay vốn để thực hiện các dự án, các cá nhân, đơn vị sản xuất sẽ yên tâm hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, từ đó có thêm động lực để sáng tạo, cống hiến.

Thời gian qua, điện ảnh Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất phim. Nhiều đơn vị hoạt động trong tình trạng cầm chừng, ì ạch. Nếu như có đến 90% các nhà làm phim hoạt động sôi nổi ở thị trường TP Hồ Chí Minh thì ở TP Hà Nội, con số này rất ít, đa phần là những đơn vị Nhà nước thực hiện. Việc được hưởng những chính sách ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ thúc đẩy các nhà làm phim, các nghệ sĩ lựa chọn Hà Nội là "bến đỗ" lý tưởng để thực hiện các dự án nghệ thuật, từ đó thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, du lịch, kinh tế, xã hội,... của Thủ đô.

Ở lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, ngoài việc được ngân sách nhà nước các cấp của TP hỗ trợ, vẫn nên có quỹ điện ảnh, một trong những chỗ dựa của các nhà sản xuất, nhà làm phim nội địa. Nó không chỉ bao gồm sự đầu tư vào dòng phim độc lập mà có thể đầu tư vào các dòng phim khác nhau, cũng có thể bao gồm cả việc đầu tư vào các liên hoan phim của Thủ đô, cũng như giúp đỡ, kết nối các nhà làm phim với các liên hoan phim trên thế giới.

Quỹ điện ảnh cũng có thể đầu tư tham gia vào những lĩnh vực như bảo quản di sản điện ảnh, hoặc lĩnh vực giáo dục, nâng cao hiểu biết, thẩm mỹ của quần chúng Nhân dân về điện ảnh, đem lại sự hiểu biết sâu về các dòng phim, các thành tựu về điện ảnh trong lịch sử điện ảnh, cũng như các trào lưu hiện đại của điện ảnh trên toàn thế giới để khán giả có thể nâng cao thẩm mỹ, tư duy điện ảnh,… Đó cũng là những điểm rất cần thiết cho sự phát triển điện ảnh về lâu về dài.

Quỹ điện ảnh có thể lấy nguồn kinh phí từ lợi nhuận điện ảnh thông qua số phần trăm giá vé phim chiếu rạp, phim phát trên truyền hình, và những nguồn thu khác từ phát hành phim… chứ không lấy từ ngân sách Nhà nước. Trên thế giới hiện nay đang có rất nhiều quỹ điện ảnh tầm quốc gia dạng này để chúng ta có thể tham khảo, học tập.

“Vừa qua Luật Thủ đô được thông qua với những chính sách phát triển toàn diện văn hóa, thể thao và du lịch của TP. Tôi mong rằng, các cấp quản lý văn hóa sẽ chú trọng nhiều hơn nữa đến sự phát triển của điện ảnh Thủ đô, để điện ảnh trở thành ngành mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa ”, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải kỳ vọng.

Quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới
Hình ảnh múa rồng tại phố đi bộ hồ Gươm. Ảnh: Khánh Huy.

Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thủ đô. Với Nghị quyết này, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, xây dựng chiến lược, kế hoạch rõ ràng, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí.

Bản sắc Việt tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm 2024 Bản sắc Việt tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm 2024
Phim concert Phim concert "Chúng ta là người Việt Nam” - thanh xuân tươi đẹp của Hoàng Thùy Linh
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động