Thứ sáu 24/01/2025 07:53

Quê tôi “mùa Covid”!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tôi đã lặng người khi nhìn thấy hình ảnh những chốt kiểm soát Covid-19 trên các con đường làng, nơi tôi sinh ra, lớn lên. Làng quê vốn dĩ bình yên ấy nay đang phải căng mình trước đại dịch.

Không nao núng và mất bình tĩnh!

Khi những cánh đồng lúa sắp vào vụ gặt, hiện hữu trong ký ức tôi là những âm thanh ngày mùa hối hả, là tiếng đanh chát không ngơi nghỉ của những chiếc máy gặt, là tiếng cười nói của những người hàng xóm thân yêu, đâu đó còn có cả tiếng hát lấn át hết sự mệt nhọc giữa cái nắng nóng.

Mảnh đất hiền hòa, yên bình ấy nay lại đang ở một trạng thái khác hoàn toàn. Tôi đã lặng người khi thấy anh tôi chụp những hình ảnh về các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên những ngả đường quanh làng quen thuộc. Chú thích cho những hình ảnh ấy, anh tôi viết “rồi đây chúng ta phải cố gắng, đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, quy định để sớm đẩy lùi dịch bệnh, hãy ở yên trong nhà nếu không có việc cần phải đi, cố lên bà con!”.

Quê tôi “mùa Covid”!
Những chốt chặn đường hẻm, ngỏ vắng trong làng...

Thoảng trong đầu lúc ấy là một nỗi buồn bất tận hiện hữu trong tôi, chúng tôi ở thành phố, cũng đã ít nhất 4 đợt “tập duyệt” khi dịch Covid-19 ảnh hưởng, dường như chúng tôi quen với việc ứng phó, chủ động trước dịch bệnh, còn ở quê, thật sự không biết sẽ thế nào khi đây là lần đầu bà con phải đối diện với nguy cơ dịch bênh? Liệu cuộc sống có khốn khó, có bị đảo lộn, cơ cực hơn không?

Tôi thấy đau lòng khi quê mình cũng rơi vào trạng thái “chống dịch như chống giặc”, người dân quen lối sinh hoạt dân dã, qua lại thăm nom, chia sẻ, giúp đỡ ốm đau, mùa vụ, nay phải ở yên trong nhà, liệu rằng có “trụ nổi” hay không? Rồi còn cái ăn thì sao, ở thành phố còn được phát phiếu đi chợ, thậm chí còn được “đi chợ hộ”, còn có “gian hàng 0 đồng”... để người dân an tâm mà chống dịch. Còn ở quê, chợ xa, thực phẩm chắc chắn sẽ khan hiếm, nhất là cá, thịt... rồi sẽ không biết như thế nào?

Chắc hẳn không chỉ riêng tôi, mà nhiều người sẽ có những cảm xúc ấy khi chứng kiến cảnh quê mình “rào trước, chặn sau” với những tấm biển “ chốt phòng chống Covid-19”. Vùng quê tưởng chừng như yên ả, sẽ mãi nằm ngoài “cuộc chiến với giặc Covid-19” bỗng một ngày cũng phải lập khu cách ly, test toàn dân để bóc tách F0...

Mọi việc dường như được giải tỏa, tôi lặng người khâm phục sau cuộc điện thoại giọng đầy quyết tâm của cha tôi ở quê. Cha tôi bảo, nhờ công tác tuyên truyền, nhờ báo đài “ra rả” suốt ngày nên bà con ở xã mình cũng hết sức chủ động, chấp hành nghiêm chỉnh.

Nhiều con em xa quê, lúc dịch dã cũng chấp nhận phải về quê để ổn định cuộc sống vì thế xã cũng đã bố trí các điểm, khu cách ly theo đúng quy định, đúng chủ trương. Sau khi huyện có thông báo yêu cầu thực hiện Chỉ thị 15 rồi lên Chỉ thị 16, bà con cũng rất chấp hành, dịch dã vậy cũng hạn chế đi lại nếu không cần thiết, không ai hoang mang, lo sợ hay nao núng mất bình tĩnh cả.

Quê tôi “mùa Covid”!
Chốt phòng chống dịch từng thôn xóm tại các trục đường chính luôn có lực lượng chức năng thôn xóm túc trực và đảo bảo công tác phòng chống dịch theo yêu cầu

Bà con ở quê đều rất chủ động và nghe theo hướng dẫn của xã để mong rằng dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Họ sẵn sàng “chung lưng đấu cật” với chính quyền, nào là đóng góp quỹ vắc xin, đóng góp hỗ trợ tuyến đầu... rất tâm huyết, quyết tâm và rất nghiêm chỉnh.

Không lơ là chủ quan, khi có thông báo, bà con tiếp thu và thực hiện rất tốt. Trước khi chưa thực hiện chỉ thị chống dịch, bà con còn góp gạo, góp rau củ gửi cho chính quyền để chuyển tới cho người dân vùng dịch gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm với mong mỏi người dân vùng dịch ổn định đời sống, vượt qua nguy hiểm và trở lại cuộc sống bình thường.

Chính quyền, cán bộ cơ sở từ xã xuống xóm rất nhiệt tình, trách nhiệm với Nhân dân. Luôn động viên bà con cố gắng thực hiện tốt cách ly, xét nghiệm, khai báo y tế... phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, đồng bộ với chính quyền trong công tác phòng chống dịch, với phương châm, chấp hành tốt quy định, không chủ quan, không lơ là, không mất bình tĩnh...

Về công việc đồng áng, mùa vụ, cha bảo tôi, đều có sắp xếp hết sức bài bản, chính quyền cũng rất quan tâm việc này để bảo đảm vừa phòng chống dịch, nhưng vẫn vừa lao động sản xuất bảo đảm cuộc sống. Về nguyên tắc không để ai đói, không để ai bị bỏ rơi trong khó khăn, địa phương có quỹ Covid, có lực lượng Ủy ban mặt trận tổ quốc xã... quan tâm, luôn sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ.

Bền gan, vững chí “đánh giặc Covid-19”

Đang say mê kể về “chiến lược” xét nghiệm, khai báo y tế, bóc tách F0... mà chính quyền đang hướng dẫn, thực hiện, nghe chừng hết sức nhuần nhuyễn, cha tôi bất chợt như nhớ ra điều trăn trở nên nhắc tôi “các con ở phố, báo đài cũng nhắc nhiều, rất phức tạp, quê ta giờ chủ động và cũng rất bài bản về chống dịch, ở quê dễ thở hơn vì không gian rộng rãi, có mấy cái chốt kiểm soát, chống dịch cũng là để bà con ý thức hơn, tuân thủ để dịch sớm bị đẩy lùi, chứ ở phố sẽ vất vả hơn, nhất là lương thực, thực phẩm, rồi còn sinh hoạt hàng ngày không thể tự cung tự cấp một phần như ở quê. Do đó các con phải cố gắng mà tuân thủ, đừng ra đường khi không cần thiết, giờ quan trọng nhất là sức khỏe, cứ khỏe đã, hết dịch Covid-19 lại lo công việc, cuộc sống...”.

Đúng là khâm phục các cụ, khâm phục bà con mình. Nghe qua những gì cha tôi tâm sự về chuyện chống dịch ở quê, tôi mới nhẹ nhõm trong lòng và thấy tự hào quê mình. Điều mà tôi không ngờ tới là bà con quê tôi “chống dịch rất tốt”, qua lời cha tôi đủ để hiểu rằng, bà con đã tiếp cận thông tin dịch, tiếp cận công tác, phương án phòng chống dịch hết sức bài bản, nhuần nhuyễn từ những gì đã và đang diễn ra trong dịch bệnh mà bắt buộc phải thực hiện, phải làm và phải quyết tâm.

Mới đó thôi bà con còn kêu gọi góp gạo, góp rau gửi vùng dịch, nay bà con lại đứng trong thế trận chống dịch khi toàn huyện Yên Thành (Nghệ An) đã áp dụng Chỉ thị 16, thậm chí có 7 xã áp dụng mức cấp bách hơn, cao hơn đó là người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó”.

Quê tôi “mùa Covid”!
Lực lượng CA chính quy xã Đại Thành ngày đêm túc trực cùng lực lượng các thôn xóm tại các điểm chốt phòng chống dịch với quan điểm "giữ vững vùng xanh".

Tâm sự với tôi, ông Đậu Trọng Giáp, Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết, khi con em từ vùng dịch về quê, cũng như việc ở huyện mình bắt đầu có những ca F0 được phát hiện, thực hiện quan điểm, phương án chống dịch một cách nghiêm khắc nhất, xã cũng như bà con đều đồng sức đồng lòng. Tổ chức hai điểm cách ly tập trung, lo cơm nước cũng như giám sát chặt chẽ tránh việc lây chéo, rồi công tác kiểm soát, lập chốt phòng chống dịch, bảo hộ y tế cho anh em tham gia tuyến đầu đều nhanh chóng được triển khai khi toàn huyện áp dụng Chỉ thị 16.

Luôn chú trọng công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục đối với bà con, hiểu và nắm rõ các chủ trương, kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại địa bàn mình sinh sống để chủ động ứng phó, không hoang mang, phối hợp tốt với chính quyền, chung tay phòng ngừa chặt chẽ, luôn giữ vững “vùng xanh” trên quê mình, cẩn trọng, bền gan, vững chí chống dịch.

“Điều đáng mừng là ý thức Nhân dân rất cao, mọi người chấp hành tốt và phối hợp nhuần nhuyễn với chính quyền. Bà con không sợ hãi, nhưng không chủ quan, lơ là. Vẫn nghiêm túc khai báo y tế, cách ly đúng, và tuân thủ các biện pháp quy định khác. Hiện nay xã đang thực hiện cách ly tập trung hơn 20 trường hợp từ vùng dịch về, còn lại hơn 100 trường hợp thuộc diện tự cách ly tại nhà. Xã luôn sâu sát, nắm chặt địa bàn cũng như chủ động các tỉnh huống, chủ động kịch bản ứng phó, chủ động phương án khi cách ly... Luôn động viên bà con cố gắng đoàn kết, nhất trí một lòng, cùng chính quyền xây dựng kiên cố các phương án chống dịch, hạn chế tối đa mọi nguy cơ, rủi ro. Hiện nay mọi việc vẫn đang vận hành rất bài bản và cụ thể” – ông Giáp bày tỏ.

Quê tôi “mùa Covid”!
Lực lượng đoàn thanh niên giúp bà con thu hoạch lúa

Từ tỉnh đến huyện, xã, những chỉ đạo phòng chống dịch đều rất sát sao, hiệu quả và trách nhiệm với nhân dân. Chỉ ngay hôm qua, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch còn yêu cầu các địa phương, phải sát sao mà lo cho Nhân dân, nhất là những gia đình khó khăn, không để ai đói ăn trong dịch bệnh, cần quan tâm phương án về thu hoạch mùa vụ giúp Nhân dân, vừa bảo đảm công tác phòng dịch, vừa đảm bảo việc sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân...

Thế đấy, đến người đứng đầu cấp tỉnh còn tâm huyết, trách nhiệm như vậy, thì bà con quê mình cứ yên tâm mà chống dịch, mà “đánh dịch”. Tin rằng, với “thế trận toàn dân” đoàn kết, nhất trí một lòng như bao đời nay thì “giặc dịch” rồi cũng khuất phục mà lùi xa.

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động