Quy chế Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuy chế Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ảnh minh họa: P.V |
Quy chế này quy định về hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Ban Chỉ đạo) được thành lập theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 28/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quy chế, Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân của Trưởng ban và trách nhiệm của các thành viên quản lý về ngành, lĩnh vực. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tuân thủ quy định của pháp luật và các quy định của Quy chế này.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phải chủ động giải quyết và chịu trách nhiệm đối với các công việc thuộc phạm vi được phân công.
Thực hiện công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Kết quả triển khai nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo được báo cáo kịp thời, đầy đủ tới lãnh đạo Ban Chỉ đạo, đồng thời gửi Cơ quan thường trực để tổng hợp, theo dõi.
Trưởng ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng ban và các thành viên sử dụng con dấu của cơ quan nơi công tác trong việc thực hiện các hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo về kết quả, tiến độ thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 để báo cáo Ban Chỉ đạo và phục vụ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; được yêu cầu các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin, báo cáo để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ Giúp việc.
Ban Chỉ đạo tổ chức họp theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo và theo ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban; Trưởng ban, Phó Trưởng ban chủ trì họp, quyết định thời gian họp và mời đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan (nếu có).
Trường hợp không tổ chức họp, Trưởng ban quyết định hoặc ủy quyền cho Phó Trưởng ban thông báo và lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản.
Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo được thể hiện bằng thông báo của Văn phòng Chính phủ. Kết luận của Phó Trưởng ban được thể hiện bằng văn bản thông báo của cơ quan nơi công tác.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại