Quy định xây công trình trên đất nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Công nhân thu hoạch rau tại cơ sở trồng rau sạch. Ảnh N.M. |
Nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung
TP Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.359,89 km2, diện tích đất nông nghiệp có 1.886 km2 (tương đương 188,6 nghìn ha) chiếm 56,34% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung đạt 41.887 ha; vùng rau chuyên canh tập trung đạt 6.533 ha; vùng hoa, cây cảnh đạt 2.076 ha; vùng cây ăn quả giá trị kinh tế cao đạt 10.434 ha; vùng sản xuất chè tập trung đạt 968 ha; bước đầu hình thành vùng trồng dược liệu chuyên canh có 213 ha...
Theo định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn tại Nghị quyết số 15 NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. TP Hà Nội xác định việc phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đưa sản xuất chăn nuôi, thủy sản tập trung ra khỏi khu dân cư; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lấy DN và hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm của liên kết; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã trước khi sáp nhập đơn vị hành chính 2 cấp và kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng trên địa bàn TP cho thấy nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp được đề xuất bao gồm: nhà chứa dụng cụ, vật tư nông nghiệp; nhà sơ chế, bảo quản; nhà màng, nhà lưới; nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, chuồng trại chăn nuôi; nhà điều hành, quản lý; nhà bảo vệ; công trình phục vụ sản xuất mạ khay, phục vụ cấy máy; đường đi nội bộ… tỷ lệ xây dựng đề xuất trong khoảng 0,1 – 5% với diện tích công trình rất đa dạng và biên độ lớn, riêng các công trình nhà màng, nhà lưới tỷ lệ xây dựng đề xuất từ 60 - 100%.
Tại điểm b Khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô 2024 quy định: “HĐND TP quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, loại công trình và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung”.
UBND TP đã trình HĐND TP tại kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định điều kiện, loại công trình và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn TP Hà Nội.
Diện tích xây dựng dựa trên phương án sản xuất nông nghiệp
Theo Nghị quyết được thông qua, để được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phải phù hợp với phương án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và phương án sản xuất nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân trong vùng đã được duyệt; người sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sản xuất nông nghiệp được UBND cấp xã phê duyệt, mẫu phương án sản xuất nông nghiệp và văn bản đề nghị phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp theo quy định; tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phải thông báo về thời điểm khởi công đến UBND cấp xã để theo dõi, quản lý.
Đối với công trình sơ chế, bảo quản nông sản: đối với vùng sản xuất rau, hoa, cây ăn quả tập trung được sử dụng 0,1% diện tích vùng để xây dựng công trình, theo nguyên tắc cứ 10 ha được xây dựng một công trình, diện tích một công trình tối đa không quá 300 m2, một vùng được xây dựng tối đa 10 công trình; đối với vùng sản xuất lúa tập trung được sử dụng 0,1% diện tích vùng để xây dựng công trình theo nguyên tắc cứ 100 ha được xây dựng 1 công trình, diện tích một công trình tối đa không quá 2.000 m2. Một vùng được xây dựng tối đa 02 công trình.
Đối với công trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, được xây dựng tại các vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, giáo dục trải nghiệm, chiều cao công trình không quá 6m; được sử dụng 0,1% diện tích vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để xây dựng công trình nhưng tối đa không quá 1.000 m2. Chỉ được xây dựng một công trình cho một vùng sản xuất nông nghiệp tập trung;
Đối với công trình cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm, được sử dụng 0,1% diện tích vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để xây dựng các công trình nhưng tối đa không quá 200m2 cho 1 công trình, riêng công trình phục vụ vệ sinh có diện tích không quá 5m2/công trình; công trình cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm phải phù hợp với truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Chiều cao công trình không quá 12m.
Đối với công trình phục vụ chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động trong vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung: tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất từ 2.000 m2 trở lên được xây dựng một công trình, diện tích công trình tối đa không quá 30 m2; trong vùng sản xuất cây lâu năm tập trung: tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất từ 10.000 m2 trở lên được xây dựng một công trình, diện tích công trình tối đa không quá 30 m2; trong vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung: tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản từ 5.000 m2 trở lên được xây dựng một công trình, diện tích công trình tối đa không quá 30 m2.
Đối với công trình nhà ươm, nhà trồng cây nông nghiệp, được sử dụng tối đa 80% diện tích để xây dựng nhà ươm, nhà trồng cây nông nghiệp. Chiều cao công trình không quá 12 m. Không áp dụng đối với vùng sản xuất lúa tập trung.
Đối với công trình để sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy, khu đất sản xuất lúa tập trung có diện tích từ 300 ha trở lên được sử dụng tối đa 700 m2 để xây dựng công trình để gieo, dưỡng mạ và phục vụ chứa máy móc thiết bị (giàn gieo mạ, máy cấy và máy móc thiết bị khác). Chiều cao công trình không quá 6 m. Không được xây dựng hàng rào kiên cố.
Đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái trong giai đoạn tới là một trong những trọng tâm, chiến lược phát triển nông nghiệp của TP, góp phần xây dựng vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội. Hà Nội sẽ có một nền nông nghiệp đô thị xanh - an toàn - thân thiện và bền vững; một nông thôn hiện đại và thịnh vượng của văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài, với một tầng lớp nông dân mới, những “thanh nông tri điền" văn minh, nông dân của thời chuyển đổi số. GS.TS.NGND Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
![]() | Hà Nội: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, TP Hà Nội có chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu ... |
![]() | Khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp Bộ Tài chính vừa đề xuất thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể kéo dài thêm 5 năm đến hết năm ... |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại