Tăng cường quản lý giá cả, không để đầu cơ lũng đoạn giá, lạm phát tăng cao
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại kỳ họp |
Để GDP năm 2022 tăng trưởng 6-6,5%, cần huy động được vốn đầu tư xã hội
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế xã hội nước ta. Nhưng ông lạc quan Việt Nam còn nhiều tiềm năng, cơ hội để tăng tốc phát triển.
Đơn cử, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao; thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đang phục hồi mạnh. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 14 FTA đã có hiệu lực.
Ông Trần Hoàng Ngân đồng tình với 16 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022, trong đó có chỉ tiêu tăng GDP 6 - 6,5%. "Nếu kiểm soát được dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng có thể còn cao hơn nữa"- vị đại biểu nói.
Tán thành nhiều ý kiến đại biểu, qua dịch bệnh cho thấy, cần quan tâm đến y tế cơ sở, dự phòng, ông Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề tự chủ vaccine. Chính phủ cần tạo điều kiện cho 2 vaccine Việt Nam là Nanocovax và Covivac thử nghiệm và sản xuất. Đồng thời, cần tăng cường công tác dự báo, để giúp các đơn vị có kịch bản chống dịch từ sớm, "tránh bị động như xảy ra với biến chủng Delta thời gian vừa qua". Việt Nam cũng cần chủ động nguồn thuốc điều trị Covid-19.
"Cần tăng cường quản lý giá cả, không để đầu cơ lũng đoạn giá, lạm phát cao tăng cao như năm 2008, năm 2011", ông Trần Hoàng Ngân phát biểu.
Giải pháp tiếp theo mà đại biểu Ngân đề xuất là giải ngân đầu tư công đúng kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch đầu tư công năm 2022 có nguồn vốn lên đến 526.000 tỷ đồng, "vừa là cơ hội, vừa là thử thách lớn". Theo ông Ngân, nên ưu tiên đầu tư các khu vực trọng điểm, có tính lan tỏa.
Để GDP năm 2022 tăng trưởng 6-6,5%, cần phải huy động được vốn đầu tư xã hội gần 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn trong nhân dân gần 20.000 tỷ đồng. Cần có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp từ 2-3% cho các khoản dư nợ. Số tiền hỗ trợ này trong hai năm ước tính khoảng 40.000 - 60.000 tỷ đồng. "Tiền này có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công chưa phân bổ", ông Ngân nêu đề nghị
Kiến tạo mô hình mới để sống chung với dịch Covid-19
Cơ bản thống nhất với 5 quan điểm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, 5 cân đối lớn cần đạt được và 12 nhóm dịch vụ, giải pháp như kế hoạch đã đề ra, Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cũng góp ý thêm 3 vấn đề.
Trước tiên, với mục tiêu thích ứng linh hoạt kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, tập trung tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh các giải pháp và nhiệm vụ đã nêu, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, xúc tiến triển khai hệ thống quản lý rủi ro quốc gia để tăng cường, nâng cao năng lực công tác dự báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Cần tập trung quan tâm nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của địa phương. Đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xử lý trách nhiệm cá nhân nhưng cũng tạo ra cơ chế, điều kiện để cán bộ tham mưu, đề xuất; lãnh đạo dám quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, cần có giải pháp căn cơ để xử lý những hạn chế, yếu kém, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là cải cách thủ tục về đầu tư, việc giải ngân vốn đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, các dự án chậm triển khai kéo dài do vướng mắc về thủ tục.
Thêm vào đó, trước bối cảnh tác động rất lớn của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu và khu vực, làn sóng dịch chuyển đầu tư, chuyển đổi mô hình kinh tế, thay đổi thói quen,… đòi hỏi và đặt ra yêu cầu phải sáng tạo, lựa chọn cách làm và phương thức quản lý để giải quyết vấn đề phát sinh.
Theo đại biểu, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để kiến tạo mô hình mới, thích ứng với chiến lược sống chung với Covid-19, ưu tiên thực hiện cơ cấu đối với nội hàm từng lĩnh vực kinh tế, từng ngành kinh tế để nâng cao khả năng đề kháng vượt qua khó khăn và khôi phục phát triển cho từng lĩnh vực nhất là ngành du lịch, dịch vụ.
Việc cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển mạng lưới doanh nghiệp sản xuất cần gắn với phân bổ nguồn lực lao động, nhất là trong xu hướng dịch chuyển người lao động như đã diễn ra vừa qua, tạo cơ hội phát triển đồng đều hơn ở các cấp, địa phương. Khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế để nhanh chóng thí điểm phục hồi hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở những trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng, chống dịch. Cũng theo đại biểu, cần đẩy mạnh và phát huy liên kết vùng gắn với thể chế điều phối vùng để sự liên kết có hiệu lực, hiệu quả, thống nhất và thực chất hơn, phát huy được yếu tố bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương liên kết. Đây là vấn đề còn khá yếu, nhất là trong thực hiện phòng, chống dịch và duy trì hoạt động nền kinh tế trong thời gian vừa qua.
Đại biểu cũng cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có những bước chuyển biến tích cực, từng bước tạo hành lang pháp lý ổn định cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, qua thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, vướng mắc.
Kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh thành cho thấy những vướng mắc, khó khăn về đầu tư, sản xuất kinh doanh do các quy định pháp luật chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế liên quan đến 79 Luật, 3 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Điều này đã tạo nên rào cản, gây cản trở rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy cần có giải pháp quyết liệt hơn để sớm tháo gỡ, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội không chỉ trong năm 2022 mà trong cả chiến lược phát triển của những năm tiếp theo
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại