Thứ ba 08/07/2025 18:01
Phân quyền, phân cấp 70 nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp

Tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 11/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp. Nghị định bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, DN… khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp tại Điểm phục vụ hành chính công phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Ảnh: Nguyên Bảo
Người dân thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp tại Điểm phục vụ hành chính công phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Ảnh: Nguyên Bảo

Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định việc phân định thẩm quyền được thực hiện trên nguyên tắc: bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với các nguyên tắc, quy định về phân định thẩm quyền của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương; bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân định; bảo đảm phân định rõ thẩm quyền giữa HĐND, UBND, Chủ tịch UBND; phân định rõ thẩm quyền chung của UBND và thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND.

Quy định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương.

Ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội…

Tại Hội nghị tập huấn toàn quốc vận hành hệ thống chính trị cấp xã mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, để cải cách tối đa thủ tục hành chính (TTHC), giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, DN, Bộ Tư pháp đã rà soát và phân cấp, phân quyền 70 nhiệm vụ khi thực hiện chính quyền 2 cấp.

Theo đó, Bộ Tư pháp đã rà soát tổng số 67 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) gồm 18 luật, 2 pháp lệnh, 30 nghị định, 1 quyết định, 3 thông tư liên tịch, 13 thông tư. Trên cơ sở kết quả rà soát có tổng 181 nhiệm vụ, thẩm quyền do các cơ quan T.Ư thực hiện, trong đó có 111 nhiệm vụ, thẩm quyền thuộc cơ quan T.Ư không thực hiện phân quyền, phân cấp và 70 nhiệm vụ phân quyền, phân cấp.

Cụ thể, có 11 TTHC đã được Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ phân cấp tại Nghị định số 112/2025/NĐ-CP ngày 29/5/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp; 37 nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp tại Nghị định số 121/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp; 22 nhiệm vụ dự kiến sẽ phân quyền, phân cấp trong Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (sửa đổi) và tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, còn 111 nhiệm vụ, thẩm quyền thuộc cơ quan T.Ư không thực hiện phân quyền, phân cấp, do các nhiệm vụ này tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các VBQPPL; tham mưu, giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; tổ chức thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, ngành…

Riêng đối với các TTHC, trước khi rà soát, thực hiện phân quyền, phân cấp, Bộ Tư pháp đang trực tiếp giải quyết 64 TTHC, trong đó qua rà soát có 9 TTHC không cần phải thực hiện việc phân quyền, phân cấp do đây là các TTHC đã thực hiện toàn trình, không phụ thuộc vào địa giới hành chính hoặc các TTHC vừa thực hiện ở T.Ư và ở các cấp địa phương. 55 TTHC còn lại cần rà soát để phân quyền, phân cấp, Bộ Tư pháp đề xuất phân quyền, phân cấp 37 TTHC cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện.

Chính quyền địa phương 2 cấp tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục về hộ tịch
Hà Nội: đảm bảo người khuyết tật được tiếp cận và hưởng các dịch vụ pháp lý miễn phí
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động