Thứ năm 23/01/2025 13:50

Tập huấn kỹ, diễn tập bài bản giúp cuộc bầu cử thành công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 24-5, nhận định về cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường – Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, cuộc bầu cử tổ chức chuyên nghiệp, tập huấn kỹ lưỡng, diễn tập bài bản, đó chính là những điểm giúp chúng ta thành công.
Việc kiểm phiếu công khai, minh bạch

Theo Hội đồng bầu cử Quốc gia, thống kê đến 0 giờ ngày 24-5, tỷ lệ cử tri cả nước đi bỏ phiếu, đạt 98,43%, điều cho thấy trách nhiệm cao và niềm tin của cử tri cả nước đối với cuộc bầu cử. Trong đó, nhiều tỉnh, TP có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt trên 99%, như tại Hà Nội, tính đến 19 giờ 30, tổng số cử tri đã đi bầu cử toàn TP trong ngày 23-5 đạt 99,13%. Ngay sau đó, các tổ bầu cử đã khẩn trương tiến hành kiểm phiếu để báo cáo kết quả bầu cử đến Ủy ban bầu cử các cấp.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định: “Việc mở hòm phiếu và việc kiểm phiếu ở từng đơn vị bầu cử đã được quy định rất rõ ràng, nghiêm ngặt, trong đó có sự đại diện của ít nhất 2 cử tri có uy tín. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi cũng chỉ đạo tập huấn rất kỹ lưỡng. Sau khi kiểm phiếu sẽ lập biên bản, bàn giao phiếu đã được niêm phong cho các cơ quan có thẩm quyền, chức năng. Luật đã quy định rõ trách nhiệm của người kiểm phiếu với kết quả thực tế, do đó tôi tin chắc là việc kiểm phiếu sẽ đảm bảo công tâm, minh bạch, không có chuyện sai sót hay có yếu tố tác động của con người”.

 Cử tri xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì bỏ phiếu bầu cử sáng 23/5. Ảnh: Phạm Hùng
Cử tri xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì bỏ phiếu bầu cử sáng 23-5. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, công tác tổ chức bầu cử diễn ra suôn sẻ, chuyên nghiệp, không có sự cố gì lớn xảy ra. Lực lượng làm công tác bầu cử được tập huấn kỹ càng, diễn tập các tình huống, nhất là về phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên thực hiện rất tốt các nhiệm vụ. Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho Nhân dân và lực lượng tổ chức bầu cử. Đặc biệt, quyền bầu cử của tất cả công dân, kể cả những người ở khu vực cách ly, đã được đảm bảo. Công tác an ninh trật tự, an toàn tại các điểm bầu cử được chú trọng, việc bảo đảm an ninh tại các điểm bầu cử diễn ra suôn sẻ, đúng luật và an toàn.

Đây là lần đầu tiên một cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, bùng phát dịch Covid-19 mạnh. Hầu hết các tỉnh, thành đều chuẩn bị rất kỹ và dự liệu các tình huống, giải pháp cụ thể để không bị động, bất ngờ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tính toán rất kỹ và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể cho địa phương bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch. Trong đó, đã có 10 văn bản hướng dẫn cụ thể các tình huống. Sau đó, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế cũng có nhiều văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động xây dựng các phương án kịch bản tổ chức bầu cử phù hợp nhất, bao gồm cả cách điều tiết phân chia thời gian, lịch trình bỏ phiếu để tránh tập trung quá nhiều người vào một thời điểm; xây dựng kịch bản bỏ phiếu tại phòng bỏ phiếu ở địa bàn có cách ly, có giãn cách, các cơ sở y tế; sử dụng các thùng phiếu phụ để mang đến tận nơi cho cử tri bỏ phiếu…

Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cũng khẳng định: Các tỉnh trên cả nước không có tình huống phát sinh phức tạp nào cần phải xin ý kiến Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết. Bài học cho sự thành công được rút ra chính là sự chuẩn bị chu đáo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, dốc sức, dốc lòng trong nhiều ngày, nhiều tháng.

Đáp ứng mong đợi của cử tri

Tại cuộc bầu cử lần này, cử tri tham gia để bầu 500 ĐB Quốc hội, 3.726 ĐB HĐND các tỉnh, thành; 22.952 ĐB HĐND cấp huyện và 242.312 ĐB HĐND cấp xã. Qua ngày bầu cử có thể thấy, sự mong đợi ở mỗi lá phiếu bầu được cử tri gửi gắm đều là niềm tin, sự kỳ vọng vào các ĐB.

Quốc hội khóa XV là Quốc hội đầu tiên có đến 40%, tức là 200 đại biểu hoạt động chuyên trách. Đây là nguồn lực to lớn giúp Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Các đại biểu chuyên trách, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách của Trung ương sẽ ít chịu tác động của xung đột lợi ích, vì vậy khi các đại biểu này được nâng cao năng lực, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng chất lượng hoạt động của Quốc hội nói riêng, cũng như chất lượng của cả nền quản trị quốc gia nói chung sẽ được cải thiện.

Trước và trong cuộc bầu cử, nhiều cử tri đã nói lên những mong muốn của mình về rất nhiều vấn đề, từ các vấn đề dân sinh, đến những vấn đề trọng yếu của đất nước trong phát triển kinh tế, phòng chống tham nhũng, đảm bảo an sinh xã hội… Đồng thời rất kỳ vọng, các ĐB phải là những người đầu tiên lắng nghe tiếng nói của cử tri. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Là ĐB của Nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của Nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân tin tưởng, giao phó”.

Như nhiều ý kiến nhận định, điều đáng mừng là cử tri đã rất quan tâm chứ không thờ ơ với việc gạch ai, bầu ai. Người dân có sự lựa chọn đắn đo suy nghĩ, cân nhắc thận trọng. Chính bởi vậy, những ứng cử viên trúng cử lần này phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe, niềm tin của cử tri và người dân cũng thực hiện giám sát việc ĐB thực hiện lời hứa, nhiệm vụ.

Cử tri mong muốn những ĐB Quốc hội được cử tri lựa chọn hôm nay sẽ góp phần quan trọng để Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định vấn đề quan trọng của quốc gia của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới. Từng dự án luật được thông qua, hay vấn đề quan trọng của quốc gia được quyết định phải có chất lượng cao hơn. Công tác giám sát phải được đổi mới hơn nữa theo hướng giám sát đến tận cùng vấn đề, quy rõ trách nhiệm, buộc mỗi cấp, mỗi ngành phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm lợi ích chính đáng của Nhân dân, của đất nước.

Bên cạnh đó, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cử tri cũng sẽ thực hiện tốt Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia quá trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Theo quy định, sau khi kiểm phiếu, lập và gửi biên bản xác nhận kết quả bầu cử, chậm nhất là ngày 2/6, Ủy ban bầu cử các cấp căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐB HĐND ở cấp mình.

Với ĐB Quốc hội, kết quả bầu cử sẽ được công bố chậm nhất là ngày 12/6 (20 ngày kể từ ngày bầu cử). Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, còn phải qua vòng “sát hạch” thẩm tra tư cách ĐB, người trúng cử mới thực sự được xướng tên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri tại các cơ quan dân cử.

"Kỳ bầu cử diễn ra trong bối cảnh Covid -19 phức tạp như thế nhưng đã tổ chức truyền thông rất tốt. Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí vào cuộc rất tích cực. Có thể nói kỳ này chúng ta làm rất kỹ về truyền thông từ nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền cho đến tần suất tuyên truyền. Đồng thời, các nhà mạng trong hệ thống viễn thông của chúng ta cũng góp phần làm cho tinh thần, ý thức, trách nhiệm của công dân được nâng cao." - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Trần Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động