Thanh niên cần đi đầu trong cuộc chiến không khói thuốc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Lực lượng thanh niên tham dự chương trình mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá. Ảnh: BTC |
Thuốc lá điện tử - “thú vui thời thượng” nhưng nguy hiểm khôn lường
Theo Bộ Y tế, dù tỷ lệ hút thuốc lá truyền thống ở người trưởng thành có xu hướng giảm, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm nung nóng ở thanh thiếu niên lại tăng nhanh, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh, sinh viên sử dụng vape, pod system ở cổng trường, quán cà phê, khu vui chơi.
Sự gia tăng này không đơn thuần do sở thích cá nhân, mà chủ yếu đến từ chiến lược tiếp thị tinh vi của các tập đoàn thuốc lá: bao bì bắt mắt, mùi vị phong phú, hình ảnh hiện đại, thời trang, và đặc biệt là quảng bá sai lệch như “công cụ cai thuốc lá truyền thống”. Trên thực tế, thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine và nhiều hóa chất độc hại, có thể gây nghiện và tổn hại nghiêm trọng đến não bộ, hệ hô hấp của người trẻ.
Hiện nay, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến trở thành “mảnh đất màu mỡ” để quảng bá các sản phẩm thuốc lá trá hình này.
Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và xã hội. Đặc biệt với thanh niên, những người đang ở giai đoạn phát triển về thể chất và trí tuệ, tác hại của thuốc lá càng nghiêm trọng hơn.
Việc sử dụng thuốc lá trong độ tuổi này có thể ảnh hưởng đến trí tuệ, khả năng học tập, sức đề kháng, thậm chí ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp. Thuốc lá không giết chết ngay lập tức mà âm thầm hủy hoại cơ thể người hút qua từng hơi khói, từng ngày, từng năm, đúng như tên gọi “sát thủ thầm lặng”.
Một hơi thuốc tưởng nhỏ bé, nhưng có thể thay đổi cả cuộc đời một con người. Với thanh niên, những người mang sức trẻ, hoài bão và tương lai rộng mở cần lựa chọn sống lành mạnh, không khói thuốc không chỉ là hành động có ý thức mà còn thể hiện thái độ sống văn minh, có trách nhiệm.
Tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn nhấn mạnh: “Mỗi đoàn viên, thanh thiếu niên Việt Nam cần là tấm gương sáng trong việc xây dựng lối sống lành mạnh, nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong mọi hoàn cảnh; chủ động tuyên truyền, vận động bạn bè, gia đình và cộng đồng cùng từ bỏ thuốc lá, tích cực tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe”.
Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, Đoàn Thanh niên đang triển khai nhiều mô hình như “Trường học không khói thuốc”, “Chi đoàn không khói thuốc” nhằm xây dựng chuẩn mực sống tích cực và môi trường học đường an toàn.
![]() |
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) (trái) tại sự kiện. Ảnh: Mộc Miên |
Hoàn thiện hệ thống pháp lý và thách thức trong kiểm soát thuốc lá mới
Từ năm 2012, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ năm 2013 thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng môi trường sống không khói thuốc.
Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định cụ thể điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và sản phẩm nung nóng. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến cho việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trở nên khó khăn trong thực tiễn.
Trong khi chờ sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử vẫn chưa đủ răn đe.
Dẫn chứng, không ít cửa hàng online công khai bán thuốc lá điện tử cho học sinh mà không hề bị xử lý; việc xử phạt người hút thuốc lá tại nơi công cộng còn nặng về hình thức, hiếm có trường hợp bị xử lý thực tế; công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương thiếu nhân lực, thiếu chuyên môn và thiếu công cụ hỗ trợ pháp lý.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khiến việc kiểm soát hoạt động mua bán trên mạng ngày càng phức tạp. Đây là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, y tế và giáo dục, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và linh hoạt hơn trong cách tiếp cận.
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó ưu tiên nhân rộng mô hình môi trường không khói thuốc và đẩy mạnh tư vấn cai nghiện.”
TS Hà Anh Đức cũng kiến nghị cần đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào quy chế nội bộ các cơ quan, đơn vị, tăng cường thanh tra các địa điểm cấm hút thuốc và xử lý nghiêm các vi phạm.
Trước thực trạng sản phẩm thuốc lá mới tràn lan, nhiều chuyên gia pháp lý kiến nghị cần sớm sửa đổi luật, đưa các sản phẩm này vào diện quản lý và tăng mức xử phạt hành vi quảng bá, bán thuốc lá điện tử, nhất là trong môi trường học đường và trên mạng.
Ngoài nỗ lực từ phía Nhà nước, vai trò của công dân và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Do đó, mỗi người dân cần chủ động không tiếp tay cho việc mua bán, quảng bá thuốc lá điện tử; tố giác các hành vi vi phạm; ham gia các hoạt động tuyên truyền, tạo dựng môi trường sống không khói thuốc.
Năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” với mục tiêu nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá không có hại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong giới trẻ. |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại