Thứ năm 23/01/2025 13:57

Tháo gỡ "nút thắt” để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển thành một ngành "mũi nhọn"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo các chuyên gia, để ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội phát triển thành một ngành "mũi nhọn" trong công nghiệp văn hóa, cần tăng cường vai trò của liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành với các nghệ nhân, hộ kinh doanh để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn khách.
Làng nghề thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Làng nghề thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 12 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa… trong đó thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của du lịch văn hóa.

Về phía Hà Nội, đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống trở thành ngành "công nghiệp sáng tạo" mũi nhọn. Đây được coi là hướng đi hết sức đúng đắn. Bởi từ lâu, làng nghề đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nhất là khu vực nông thôn.

Với 1.350 làng nghề, Hà Nội hiện đang chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Làng nghề vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng. Trong các làng nghề nói chung, Hà Nội có số lượng lớn các làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, 1 trong 6 lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh mà Thành phố ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Thống kê của Sở Công thương cho thấy, Hà Nội hiện có 308 làng nghề truyền thống. Những làng nghề truyền thống sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đã nổi tiếng trong và ngoài nước lâu nay có thể kể đến như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)… Chưa kể hàng chục làng chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nằm rải rác ở các huyện: Thạch Thất, Đông Anh, Thường Tín…

Hiện nay, TP Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Khối làng nghề tạo công ăn, việc làm cho khoảng 740 nghìn lao động.

Cũng theo Sở Công thương Hà Nội, dù sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh, song ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội, cũng giống nhiều nơi trên cả nước, đang gặp không ít thách thức, khiến nghề này chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong số 1.350 làng nghề hiện có, chỉ có 207 làng nghề đang phát triển, 543 làng nghề đã bị mai một và hàng trăm làng nghề có dấu hiệu mai một. Những thách thức lớn nhất đối với làng nghề là khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế sản phẩm. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế, sản phẩm thiếu sự độc đáo; thiếu nhân lực có tay nghề…

Đối với những làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch thì mối liên kết giữa làng nghề với doanh nghiệp lữ hành còn yếu, nghệ nhân làng nghề chưa sẵn sàng với việc "làm" du lịch.

Theo các chuyên gia, cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, rất cần sự hỗ trợ, quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất, sự liên kết phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng.

Cần xây dựng kế hoạch tập trung vào các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của phát triển làng nghề gắn với du lịch; tham mưu đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; phát huy cao nhất nguồn di sản của làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, công nghiệp văn hóa trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thủ công mỹ nghệ, du lịch làng nghề đóng vai trò quan trọng. Sự thiếu liên kết đang cản trở sự phát triển của các nghề thủ công. Việc thực hiện được liên kết này không thể để mặc cho các cơ sở sản xuất mà cần có sự xuất hiện của yếu tố thứ ba là nhà quản lý. Các nhà quản lý có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn kết nối các bên trong phát triển sản phẩm.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Sở Công thương đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn, tư vấn cho các nghệ nhân cũng như các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ. “Qua đó nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân cũng như đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người dân, góp phần cải tiến sản phẩm thủ công mỹ nghệ”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Hà Nội: Hỗ trợ truyền nghề thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ cho hơn 1.600 lao động nông thôn
Phát triển ngành thủ công mỹ nghệ
Hà Nội sẽ tạo ra 500-700 mẫu thiết kế thủ công mỹ nghệ mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước
Năm 2022, Hà Nội phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng trưởng 5,5-7%
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động