Thông qua chính sách ưu đãi, tạo động lực phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đoàn Chủ tọa điều hành phiên làm việc tại Kỳ họp |
Theo đó, Nghị quyết được ban hành nhằm thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô 2024. Nghị quyết quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cho phép thử nghiệm có kiểm soát công nghệ, sản phẩm có tính đổi mới sáng tạo
Nghị quyết nêu rõ, trung tâm công nghiệp văn hóa là tổ chức được cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập, có trụ sở tại địa điểm với ranh giới địa lý xác định để hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, cung cấp dịch vụ hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hóa, phát triển hệ sinh thái sáng tạo.
Nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô; bảo đảm tính đa dạng, bình đẳng về văn hóa.
Việc lập quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan...
![]() |
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Bạch Liên Hương trình bày tờ trình tại Kỳ họp |
Nghị quyết cũng quyết nghị cho phép triển khai thử nghiệm có kiểm soát công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa tại trung tâm công nghiệp văn hóa với khuôn khổ giới hạn không gian, thời gian, đối tượng nhằm đánh giá tính khả thi và tác động trước khi áp dụng rộng rãi.
Đồng thời, yêu cầu về tổ chức, hoạt động của thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa phải bảo đảm các yêu cầu về diện tích dành cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; thương mại, dịch vụ phụ trợ các hoạt động công nghiệp văn hóa; tổ chức không gian làm việc chung và hạ tầng khác để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa...
Có phương án hỗ trợ nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành văn hóa trong hoạt động sáng tạo, thiết kế, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày tác phẩm và sản xuất sản phẩm văn hóa; có phương án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong phạm vi trung tâm công nghiệp văn hoá (nếu có); có phương án cam kết về việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa.
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ
Thành phố cũng quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa với các nội dung: lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa để giao, nhượng quyền hoặc cho thuê. Ưu tiên xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng của công trình tài sản công thành các không gian sáng tạo văn hóa mới để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa...
![]() |
Các đại biểu HĐND TP tham gia biểu quyết thông qua nội dung nghị quyết tại kỳ họp |
Cụ thể, trung tâm công nghiệp văn hóa, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô.
Trung tâm công nghiệp văn hoá được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô 2024 hoặc miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hoá.
Trường hợp thuê công trình tài sản công để thành lập trung tâm công nghiệp văn hoá theo quy định tại Nghị quyết này, nhà đầu tư được xem xét khấu trừ tiền thuê đất theo quy định của pháp luật vào tiền thuê công trình trong trường hợp tiền thuê công trình đã bao gồm tiền thuê đất; được miễn tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa 3 năm đầu thành lập, giảm 50% tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa 3 năm tiếp theo.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ về kinh phí tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của thành phố; hỗ trợ quảng bá, truyền thông về trung tâm công nghiệp văn hoá, sản phẩm, dịch vụ văn hóa; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định của thành phố...
Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình, Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô, cần có các mô hình đột phá và hệ thống các cơ chế chính sách vượt trội để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Việc UBND TP đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND TP quy định về trung tâm công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô (thực hiện theo khoản 7, Điều 21, Luật Thủ đô năm 2024) là cần thiết, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP và phù hợp với quy định của pháp luật. |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại