Thứ sáu 24/01/2025 00:40
Giải đáp pháp luật

Trách nhiệm khi xảy ra va chạm giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015) quy định...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi:

Người thân của tôi khi tham gia giao thông có xảy ra va chạm. Hậu quả của tai nạn khiến người đi đường bị hỏng xe máy, người bị thương nhẹ. Người thân của tôi khẳng định đi đúng đường, đúng tốc độ và không có lỗi. Vậy, người thân của tôi có phải chịu trách nhiệm gì không?

(Nguyễn Anh Tú, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

- Về trách nhiệm hình sự: Khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015) quy định như sau:

“Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a)Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng”.

Như vậy, như bạn trình bày, trường hợp bạn nêu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015), do vậy, bạn của bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

- Về trách nhiệm dân sự, Điều 584 BLDS năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Có thể thấy, người thân của bạn không vi phạm các quy định pháp luật về an toàn giao thông, không có lỗi trong việc gây ra vụ va chạm nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có xảy ra thiệt hại.

- Về trách nhiệm hành chính, khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Nếu đúng như trường hợp bạn nêu,người thân của bạn tham gia giao thông đường bộ và không vi phạm các quy định của pháp luật về lĩnh vực giao thông sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm liên quan đến giao thông.

Từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9, CSGT toàn quốc bắt đầu triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, tập trung phát hiện các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, vượt quá tốc độ cho phép, vi phạm về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải...
B.A
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động