Thứ năm 23/01/2025 08:27
Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)

Truyền thông đa dạng hình thức để pháp luật đi vào cuộc sống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm Báo chí và ngày Pháp luật Việt Nam. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên, chủ trì tọa đàm.
-	Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: N.N
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: N.N

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết, qua 12 năm triển khai, ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) được các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hưởng ứng thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có chiều sâu, điểm nhấn như: treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật… Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương; đóng góp vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tọa đàm “Báo chí và ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024” được tổ chức nhằm truyền thông, lan tỏa tinh thần thượng tôn hiến pháp và pháp luật, lan tỏa thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật, theo hướng chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Cùng với đó, Quốc hội khóa XV đang xem xét và dự kiến thông qua một số Luật quan trọng (Luật Công chứng, Luật Phòng không Nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên…). Do đó, đây cũng là dịp để cơ quan chủ trì soạn thảo các Luật trên tuyên truyền chính sách, đặc biệt là các chính sách mới để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Tại tọa đàm, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh phát biểu ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông trong tuyên truyền, truyền thông các hoạt động về xây dựng, thi hành pháp luật nói chung và của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng; bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp với bộ, ngành Tư pháp đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng chuyên sâu hơn, xây dựng nhiều tuyến bài bình luận pháp luật, phản biện xã hội để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Đoàn Thị Tuyết Nhung chia sẻ, TTXVN xác định công tác thông tin, tuyên truyền, PBGDPL, truyền thông chính sách là nhiệm vụ quan trọng; nếu làm tốt công tác này sẽ góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cho người dân, triển khai hiệu quả chính sách pháp luật vào cuộc sống. TTXVN đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng chuyên mục “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, trong đó tăng cường phỏng vấn các chuyên gia về thông điệp của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng, thi hành pháp luật trong giai đoạn tới, thu hút được sự quan tâm của độc giả; tăng cường tuyên truyền về những nội dung mới trong các dự thảo luật dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đặc biệt là những dự thảo luật có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội.

Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan báo chí đã chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền pháp luật và đề xuất định hướng, cách thức truyền thông trong giai đoạn mới. Đồng thời đề xuất các nội dung cụ thể như: tạo điều kiện cơ quan báo chí được tiếp cận chính sách pháp luật ngay từ giai đoạn soạn thảo để có thể truyền thông trước, trong và sau khi dự thảo luật được thông qua, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn các chính sách mới, các vướng mắc, khó khăn đã được tháo gỡ; Bộ Tư pháp là đầu mối giới thiệu những chuyên gia chuyên môn về pháp luật để cung cấp nguồn thông tin uy tín cho cơ quan báo chí; phối hợp thông tin tuyên truyền về hòa giải cơ sở, cung cấp thông tin và tạo điều kiện để phóng viên được tham gia các đoàn công tác triển khai nội dung liên quan đến công tác hòa giải cơ sở; tăng cường công tác truyền thông về Bộ pháp điển…

Ông Phan Hồng Nguyên cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan báo chí với Bộ Tư pháp nói chung và Cục PBGDPL, Văn phòng Bộ nói riêng trong truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đưa pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào pháp luật. Thời gian tới, theo ông Phan Hồng Nguyên, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, truyền thông trong cung cấp thông tin liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của bộ; cung cấp các chuyên gia tham dự các tọa đàm, phỏng vấn tuyên truyền pháp luật; phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cung cấp tài liệu, dự thảo chính sách cho báo chí, truyền thông.

Phó Cục trưởng Cục PBGDPL cũng đề nghị các bộ, ngành cần chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin cho báo chí, trên cơ sở đó tạo diễn đàn trên các nền tảng báo chí để truyền thông chính sách pháp luật theo hướng tích cực, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật, thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc - Trường học an toàn"
San Lam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động