Thứ năm 13/02/2025 20:44

Ứng dụng công nghệ in 3D trong phẫu thuật tái tạo xương hàm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm gần đây, công nghệ in 3D đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y học, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ này, quy trình điều trị được tối ưu hóa từ khâu thiết kế giả lập đến lập kế hoạch phẫu thuật, giúp nâng cao độ chính xác và hiệu quả trong điều trị.
Ứng dụng công nghệ in 3D trong phẫu thuật tái tạo xương hàm
Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ xương hàm trên và tái tạo bằng vạt xương mác, lên kế hoạch bằng công nghệ 3D. Ảnh: BV

Mới đây, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 30 tuổi đến khám trong tình trạng sưng nề, biến dạng vùng gò má - hàm trên bên phải. Qua thăm khám và chụp phim cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc u nguyên bào tạo men xương hàm trên (Ameloblastoma). Dù là khối u lành tính, nhưng bệnh có tốc độ phát triển nhanh, gây phá hủy xương hàm.

Để loại bỏ hoàn toàn khối u, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một nửa xương hàm trên. Tuy nhiên, điều này để lại một khuyết hổng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chức năng ăn nhai, hô hấp. Để khắc phục, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật vi phẫu thuật, lấy vạt xương từ cẳng chân bệnh nhân để tạo hình lại xương hàm trên ngay trong cùng một ca phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không chỉ loại bỏ hoàn toàn khối u mà còn giữ được khuôn mặt cân đối, trở lại cuộc sống bình thường.

Thành công của ca phẫu thuật có sự đóng góp quan trọng của công nghệ 3D. Trước khi thực hiện, các bác sĩ đã sử dụng phần mềm giả lập để lập kế hoạch chi tiết, mô phỏng toàn bộ quá trình phẫu thuật trên hình ảnh cắt lớp vi tính của bệnh nhân. Mô hình xương và máng hướng dẫn cắt xương được in bằng công nghệ 3D, giúp các bác sĩ thao tác chính xác theo kế hoạch đã đề ra, giảm thiểu thời gian và tính phức tạp của ca mổ.

Trong năm qua, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý u men xương hàm mặt và ung thư. Tất cả đều được lên kế hoạch trước mổ bằng công nghệ 3D và thực hiện tạo hình xương hàm mặt bằng vạt xương mác vi phẫu. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả điều trị mà còn mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực phẫu thuật sọ mặt.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Minh - Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, để tái tạo xương hàm mặt, bác sĩ sử dụng vạt xương mác kèm theo các mạch máu nhỏ từ cẳng chân bệnh nhân, sau đó nối với mạch máu vùng mặt bằng kính hiển vi. Đây là kỹ thuật phức tạp, thường kéo dài từ 8 đến 10 tiếng. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ lập kế hoạch trước mổ và in 3D, thời gian phẫu thuật đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 5 đến 6 tiếng. Trong tương lai, thời gian này có thể tiếp tục được rút ngắn. Độ chính xác của công nghệ tạo hình xương cũng cho phép bác sĩ đặt trụ implant răng ngay trong cùng một lần mổ, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí và số lần can thiệp phẫu thuật về sau.

Không chỉ giới hạn trong điều trị các bệnh lý xương hàm mặt, công nghệ 3D còn được ứng dụng vào phẫu thuật thẩm mỹ như cắt chỉnh hàm, hạ gò má, cắt góc hàm. Các máng hướng dẫn đường cắt xương được thiết kế tỉ mỉ trước phẫu thuật nhằm đảm bảo an toàn, tránh các cấu trúc thần kinh quan trọng và tạo sự cân đối cho khuôn mặt sau can thiệp.

Bộ Y tế đề xuất quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu ngành y tế
Liên tiếp các ca hóc xương gà trong và sau Tết
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động