Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Đặng Thị Bắc – cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Vân Nội, huyện Đông Anh chia sẻ về công tác nghiệp vụ tại cơ sở. Ảnh: Lê Mận |
Trong năm 2023, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 28/3/2023 về triển khai thực hiện Nghị định 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, đồng thời ban hành các kế hoạch về việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn huyện. Việc số hóa dữ liệu được thực hiện ổn định đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và lộ trình quy định.
Cùng với đó, UBND huyện đã ban hành văn bản và triển khai đầy đủ các nhiệm vụ lĩnh vực hộ tịch theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) tại địa phương.
Theo lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện, công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch mang lại kết quả tích cực, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, phục vụ kịp thời nhu cầu thực tế của công dân, tạo sự tin tưởng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công TP Hà Nội kết nối dữ liệu dân cư, thực hiện Đề án 06 và thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, trợ cấp mai tang phí.
100 % hồ sơ đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, đăng ký cấp trích lục hộ tịch được thực hiện trực tuyến. Đến 31/10/2023, trên toàn địa bàn huyện đã tiếp nhận, xử lý tổng số hồ sơ hộ tịch là 23.894 hồ sơ, hồ sơ liên thông là 3.041 hồ sơ, đều trả kết quả cho công dân trước hạn.
Thực hiện chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017- 2024: công tác đăng ký khai sinh cho trẻ luôn được quan tâm chỉ đạo, cơ bản trẻ được đăng ký khai sinh đúng hạn, không có trẻ em không được đăng ký khai sinh.
Việc rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập trung nghiệp vụ hộ tịch, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã cũng được UBND huyện quan tâm, chú trọng. Hiện nay, đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch phụ trách lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn huyện gồm 25 đồng chí.
Trong đó, 1 đồng chí chuyên viên Phòng Tư pháp, 24 đồng chí công chức UBND xã, thị trấn. Tất cả 25/25 đồng chí đều đạt trình độ cử nhân Luật, 9/25 đồng chí có trình độ thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đăng ký hộ tịch trong tình hình mới, được tham gia tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp do Sở Tư pháp TP Hà Nội và UBND huyện tổ chức hằng năm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn một số vướng mắc như quy trình thủ tục hành chính hộ tịch và các phần mềm nghiệp vụ liên tục có sửa đổi, bổ sung, yêu cầu mức độ cung cấp dịch vụ ngày càng cao trong khi trình độ tin học của công dân không đồng đều khiến công chức Tư pháp - Hộ tịch rất vất vả trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, thời gian giải quyết ngắn.
Bên cạnh đó, phần mềm đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp đã có chức năng thay đổi cải chính thông tin của cá nhân nhưng chưa có chức năng ghi chú các trường thông tin trong dữ liệu khai sinh. Điều này cũng gây khó khăn cho cán bộ làm công tác hộ tich.
Để công tác đăng lý và quản lý hộ tịch đạt kết quả tốt hơn trong năm 2024 và các năm tiếp theo, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cho biết, sẽ thường xuyên tập huấn nghiệp vụ đăng ký hộ tịch, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong quản lý hộ tịch. Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt 2 nhóm thủ tục liên thông lĩnh vực hộ tịch. Tham mưu, thực hiện hoàn thành việc số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn huyện theo chỉ đạo UBND TP yêu cầu cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. |
Ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số | |
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch, chứng thực |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại