Vụ việc kíp trực cấp cứu bị phản ánh về việc phải thanh toán tiền mặt mới được xuống xe: Chưa có cơ sở khẳng định
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 8-9, ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, đơn vị vừa có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội sau vụ việc kíp trực cấp cứu bị phản ánh về việc phải thanh toán tiền mặt mới được xuống xe, nhập viện cấp cứu.
Báo cáo của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho hay chưa có cơ sở khẳng định kíp cấp cứu không cho bệnh nhân xuống xe nhập viện vì không nộp tiền. |
Ông Thành cho biết thêm, ngày 1-9, đơn vị nhận được thông tin phản ảnh của chị Trần Ngọc A, trú tại B02 Times City 458 Minh Khai, Hà Nội với nội dung phản ánh sự việc nhân viên cấp cứu 115 Hà Nội yêu cầu bệnh nhân thanh toán tiền mặt mới cho nhập viện.
Sau khi nhận được thông tin phản ảnh, Trung tâm cấp cứu 115 đã khẩn trương xác định các cán bộ có liên quan và yêu cầu tường trình báo cáo rõ sự việc. Trên cơ sở bản tường trình của cá nhân, ngày 6-9, Ban Giám đốc và các phòng ban chức năng đã tiến hành hợp với các cá nhân để làm rõ sự việc.
Theo đó, sáng ngày 28-8, phòng điều phối Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội nhận yêu cầu cấp cứu từ số điện thoại 0983810xxx với tình trạng bệnh nhân bị sốt sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại địa chỉ T1, Times City 458 Minh Khai, Hà Nội.
Ngay sau khi nhận điện thoại bộ phận điều phối đã điều kíp xe cấp cứu tại Trạm cấp cứu Trung tâm bao gồm: kíp trưởng Ngô Bích H, điều dưỡng Trần Bích Ng, lái xe Trần Quý C.
“Ngay sau khi nhận lệnh điều động từ phòng điều phối, kíp cấp cứu mặc trang phục phòng hộ cá nhân và khẩn trương đi cấp cứu, đến 5g49 phút kíp xe cấp cứu đã đến địa chỉ cấp cứu, tiếp cận được bệnh nhân, bệnh nhân tự đi xuống một mình. Kíp cấp cứu đã đưa bệnh nhân lên xe cấp cứu và tiến hành thăm khám.
Bệnh nhân có tiền sử tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ sáng ngày 27-8 và đã uống thuốc hạ sốt, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, nhiệt độ 38,8 độ C. Kíp trưởng H đã giải thích tình trạng cho bệnh nhân và bệnh nhân yêu cầu chuyển đến Bệnh viện Hồng Ngọc. Khi đến bệnh viện đánh giá tình trạng hiện tại bệnh nhân không trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn”, ông Thành nêu trong báo cáo.
Theo ông Thành, kíp trưởng H đã vào trao đổi với chuyên môn của Bệnh viện Hồng Ngọc về tình trạng bệnh của bệnh nhân theo quy trình phòng chống dịch. Sau khi Bệnh viện Hồng Ngọc đồng ý nhận bệnh nhân, kịp trưởng H đã chuyển bệnh nhân vào phòng khám sàng lọc của Bệnh viện và kết thúc quá trình cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân.
“Kíp cấp cứu thu 720 nghìn đồng dịch vụ vận chuyển cấp cứu là đúng theo khung giá được quy định. Hiện tại, đơn vị chưa có quy định về việc thu dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện bằng hình thức chuyển khoản nên kíp xe thông báo không thu tiền qua hình thức chuyển khoản là đúng quy định. Việc Điều dưỡng Nguyễn Hữu L trực điều phối cấp cứu đã trả lời cho người nhà bệnh nhân có thể thanh toán bằng hình thức chuyển khoản là không đúng quy định”, ông Thành nêu rõ.
Về thông tin không cho bệnh nhân xuống xe cấp cứu để nhập viện khi chưa nộp tiền và chửi mắng bệnh nhân, ông Thành thông tin: “Hiện tại chưa có cơ sở để khẳng định”.
Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, đơn vị đã yêu cầu kíp cấp cứu nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc giải thích trao đổi với bệnh nhân cần cặn kẽ hơn nữa trong quá trình cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân. Đồng thời phê bình điều dưỡng Nguyễn Hữu L trực điều phối cấp cứu đã cung cấp thông tin không chính xác cho người nhà bệnh nhân.
Cùng chia sẻ về sự việc trên, chị Vương Tuyết M, 30 tuổi, nữ bệnh nhân trực tiếp trên xe cấp cứu ngày 28-8 khẳng định, có việc nhân viên y tế yêu cầu chị thanh toán tiền mặt mới cho xuống xe.
“Tôi bị sốt cao, chồng cũng bị sốt và chị gái sang nhưng phải ở lại nhà chăm 2 cháu nhỏ nên tôi lên xe cấp cứu 115 một mình. Khi nhân viên xe cấp cứu đến hỏi tôi đến bệnh viện nào thì tôi bảo đến Bệnh viện Hồng Ngọc. Thời điểm này, do quá lo lắng nên tôi đã không mang theo ví tiền, tôi muốn chuyển khoản nhưng họ nhất quyết không đồng ý, bảo tôi nói người nhà, bạn bè mang tiền đến. Lúc này tôi gọi điện về bảo người thân. Sau đó người thân tôi gọi trực tiếp lên tổng đài 115 thì khoảng hơn 15 phút trên xe tôi mới được xuống và ký tờ giấy không mang theo tiền mặt”, chị M nhớ lại.
Theo chị M, bệnh viện có khu sàng lọc riêng nên khi có người đến khám đều được vào ngay mà không cần phải liên hệ trước.
Chị Trần Ngọc A, người làm đơn phản ánh cho biết, chị vẫn còn bằng chứng ghi âm cuộc gọi về việc nhân viên cấp cứu 115 yêu cầu thanh toán tiền mặt mới cho bệnh nhân xuống xe đi cấp cứu.
“Nếu như trong báo cáo nêu chưa có cơ sở để khẳng định kíp cấp cứu không cho bệnh xuống xe nhập viện vì không có tiền nộp vậy tại sao khi em tôi bảo quên mang tiền nhân viên cấp cứu nhất quyết bảo gọi người nhà mang tiền mặt đến mới cho xuống xe. Toàn bộ cuộc gọi phản ánh tôi đều ghi âm lại. Tôi cho rằng có thể lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chưa biết đến ghi âm đó hoặc có sự bao che ở đây. Tôi sẽ kiến nghị tới Sở Y tế Hà Nội, đề nghị Thanh tra Sở vào cuộc làm rõ”, chị Ngọc A chia sẻ.
Xác minh về việc phải thanh toán tiền mặt mới được xuống xe cấp cứu 115 Trước phản ánh về việc nhân viên y tế yêu cầu người bệnh phải thanh toán tiền mặt mới cho vào bệnh viện cấp cứu, ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại