Bài 4: Để điện ảnh - thời trang nâng cao vị thế văn hóa truyền thống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Phim điện ảnh "Song lang" mang đến nét đẹp văn hóa cải lương. Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Tinh tế và cẩn trọng khi đưa thời trang lên phim
Một trong những nhà thiết kế cổ phục cho phim “Phượng Khấu” là nhà thiết kế trẻ Nguyễn Đức Lộc. Để sáng tạo ra những bộ trang phục đẹp mắt, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc, nhà thiết kế này không ngừng trang bị cho mình hành trang kiến thức về lịch sử, văn hóa, học thêm Hán Nôm. Theo Nguyễn Đức Lộc, muốn đi tìm “kho báu” mà cha ông để lại không thể không học, không đọc. Bên cạnh đó, anh cất công lặn lội trên nhiều vùng đất, tìm đến những di tích, những làng nghề, gặp gỡ nghệ nhân. Họ chính là những người giữ gìn văn hóa cổ, trong đó có cổ phục.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, một bộ phim có phục trang được chăm chút kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở sử liệu đáng tin cậy, sẽ làm tăng tính chân thực, tạo nên sự khác biệt, nét độc đáo của những câu chuyện của người Việt, từ đó tạo ra cảm xúc kết nối giữa hiện tại và quá khứ. Cổ phục trong phim cần tạo cảm giác chân thực, gần gũi với đời sống. Dù có thể sáng tạo để phù hợp với tính cách nhân vật và câu chuyện phim, nhưng sự sáng tạo ấy vẫn phải cẩn trọng, kỹ lưỡng, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống, tránh phá cách quá mức dẫn đến sai sót, lệch lạc. Tốt nhất là ê kíp nên có sự tham vấn của những người có chuyên môn.
Đồng quan điểm, GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi tính chân thực, gần gũi với sự thật lịch sử và đời sống. Trang phục là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tính chân thực đó. Tuy nhiên, đối với những giai đoạn lịch sử xa xưa, tư liệu để phục dựng trang phục là rất hạn chế. Việc tái hiện cổ phục trong những trường hợp này vì thế chỉ có thể mang tính tương đối, nhưng không được tùy tiện. Để các nhà làm phim làm tốt mảng thời trang này, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc ở mức độ cao nhất, đồng thời tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn đầu ngành để có hướng sáng tạo đúng và trúng.
![]() |
Phim điện ảnh Song lang mang đến nét đẹp văn hóa cải lương. Ảnh: Đoàn phim cung cấp |
Thay đổi tư duy sáng tạo, nâng cao chất lượng phim
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Mai Anh Tuấn, các nhà làm phim có thể khai thác văn hóa truyền thống ở nhiều khía cạnh, nhưng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức văn hóa, lịch sử nền, bởi đó chính là cơ sở của sự sáng tạo. Muốn có được điều đó thì họ phải có sự trải nghiệm thực tế. Trong quá trình sáng tạo, các nhà làm phim được phép hư cấu nhưng cuối cùng, phim vẫn phải khơi gợi được những nét tương đồng, gần gũi và có kết nối với đời sống để khán giả thấy được sự đồng cảm, sự sống động của lịch sử và văn hóa.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, để thực hiện những bộ phim lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hoá thì thách thức với các nhà làm phim là rất lớn. Họ phải nhìn nhận rằng tham gia vào dòng phim này, những sai sót dù nhỏ cũng sẽ bị nhận ra và sẽ mang đến những phản ứng khốc liệt. Một khó khăn nữa là kinh phí cho dòng phim này quá lớn nên các nhà làm phim ít tiếp cận, các nhà đầu tư thì ngại ngần, còn nguồn ngân sách từ Nhà nước lại hạn hẹp.
Ngoài ra, mỗi dự án của dòng phim này lại do một đạo diễn hoặc nhà đầu tư khác tham gia, tức là độ mài rũa để có kinh nghiệm chưa cao. Nhà biên kịch kỳ vọng, với sự kiên trì của nhà đầu tư, sự sáng tạo của ê kíp phim, sự ủng hộ của công chúng, những bộ phim khai thác cảm hứng lịch sử, văn hóa sẽ thực sự gặt hái thành công.
PGS.TS Vũ Ngọc Thanh nêu quan điểm, điện ảnh cần hài hòa dòng chủ đạo (dòng sử thi, dòng đấu tranh, dòng điện ảnh thơ); chú trọng giá trị căn cốt phim Việt; nâng cao tầm tư tưởng trong phản ánh hiện thực như cách làm phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh… Bên cạnh đó, các nhà làm phim cần thay đổi tư duy sáng tác, nâng cao chất lượng nội dung, thông điệp mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, và tái đầu tư cho phim điện ảnh.
Các chuyên gia cũng nhất trí cho rằng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng trường quay, đẩy mạnh công tác số hóa kho dữ liệu điện ảnh Việt... là những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm. TS Phạm Đắc Thi (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội) cho rằng, điện ảnh là một trong những lĩnh vực của công nghiệp văn hóa nên để phát triển lĩnh vực này cũng như các lĩnh vực khác cần có sự nhận thức và đồng lòng của toàn xã hội, trong đó có những mũi nhọn được đầu tư, quan tâm là các nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản.
Theo TS Phạm Đắc Thi, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội - chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật, cần tập trung đổi mới về chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, trong đó có hợp tác quốc tế để giúp người học có tri thức sâu, kỹ năng và kỹ xảo nghề nghiệp tốt, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Bà Phan Cẩm Tú, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) nhận định, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh quốc gia, thúc đẩy du khách trong nước và quốc tế đến để trải nghiệm, khám phá đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy và tăng trưởng du lịch, qua đó, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước. Chính vì điện ảnh mang lại nhiều cơ hội cho du lịch phát triển nên nhiều chính phủ, chính quyền địa phương nhìn nhận sản xuất phim như hoạt động quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương.
(Còn nữa)
Chúng ta cần định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa, thực chất để bất kỳ dòng phim nào cũng phải chú ý đầy đủ đến yếu tố thị trường, chú trọng tất cả các khâu, từ kịch bản, đạo diễn, diễn xuất,…đến phát hành, quảng bá phim (bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các kênh mạng xã hội) để thu hút khán giả, tạo thương hiệu cho dự án, kết nối với đối tượng khán giả mục tiêu. GS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội |
![]() | Bài 2: Chiến lược bài bản, gặt hái thành công Các chuyên gia cho rằng, để đưa chất liệu văn hóa truyền thống vào âm nhạc thành công, các nghệ sĩ cần nghiên cứu kỹ ... |
![]() | Bài 1: Biến âm nhạc thành bệ phóng phát triển văn hóa truyền thống Ra mắt đầu tháng 3/2025 đến nay, MV ca nhạc “Bắc Bling” của Hòa Minzy vẫn chưa ngừng gây sốt. Chỉ sau 24h, sản phẩm ... |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại