Kỳ cuối: Một bản thiết kế chiến lược để tái cấu trúc nền tảng thể chế quốc gia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quochoi |
Nghị quyết số 66-NQ/TW tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, pháp lý của đất nước
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhận định, Nghị quyết số 66-NQ/TW được xem là một bước chuyển mới quan trọng, có tác động trực tiếp đến hoạt động của Quốc hội và đời sống chính trị, pháp lý của đất nước.
Ngay sau khi T.Ư ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW, ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV có tính lịch sử, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, liên quan đến cả hoạt động lập pháp cũng như tác động đến kinh tế-xã hội, tạo ra một bước chuyển mới cho đất nước. Kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, với việc xem xét thông qua 34 luật và cho ý kiến về 14 dự án luật khác; đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế -xã hội của đất nước.
Sự linh hoạt, trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội trong triển khai Nghị quyết 66 thể hiện ngay ở những sản phẩm, nội dung của gần 50 dự thảo luật được xem xét và thông qua tại kỳ họp này.
Những dự thảo luật được thể hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW, đó là khoảng cách giữa nghị quyết cho đến nghị trường được rút ngắn thể hiện tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm cao của Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện quyền giám sát
Luật sư Hoàng Minh Hiển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu do nhiều nguyên nhân mà có thể nói những nguyên nhân chính đến từ thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hoặc phản ứng nhưng hiệu quả không cao, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Các bước đột phá trong công tác thi hành pháp luật nhằm bảo đảm pháp luật được thực hiện một cách công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả gồm một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, cần nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ làm công tác thi hành pháp luật: công tác thi hành pháp luật đòi hỏi cán bộ phải có kiến thức pháp luật vững, khả năng giải quyết các tình huống thực tiễn linh hoạt, đúng pháp luật. Do đó, cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi và liên ngành khi pháp luật mới ban hành hoặc các kỹ năng giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác thực thi pháp luật nhằm ngăn ngừa các vi phạm hoặc tiêu cực phát sinh từ cán bộ khi thực thi nhiệm vụ.
Thứ hai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật: ngày nay, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ theo hướng ngày càng đến gần với đời sống xã hội. Việc ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật theo thời gian thực, phát hiện những vướng mắc, trì trệ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ ba, thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật: để pháp luật được thực thi thì người thực thi pháp luật phải đảm bảo thực thi đúng với chức vụ, quyền hạn và chức năng nghề nghiệp. Do đó, để hạn chế các vi phạm pháp luật của cán bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ thì cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật đối với cán bộ thực thi pháp luật là rất quan trọng để duy trì tính nghiêm minh, công bằng, và nâng cao hiệu quả của công tác thi hành pháp luật.
Thứ tư, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thi hành pháp luật: đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thi hành pháp luật đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật Nhà nước. Trong quá trình quản lý và thi hành pháp luật, việc tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất giúp phát hiện kịp thời những tồn tại, thiếu sót, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Qua đó, tạo ra sức ép để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong giám sát việc thực thi pháp luật thông qua các hoạt động cụ thể trong ngành nghề cụ thể. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện quyền giám sát bằng việc phản ánh các vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật, qua đó phát hiện những biểu hiện tiêu cực, sai phạm.
Thứ năm, tăng cường công khai, minh bạch trong thi hành pháp luật: công khai, minh bạch trong thi hành pháp luật là yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng nền pháp quyền dân chủ, công bằng và phát triển bền vững. Khi hoạt động thi hành pháp luật được công khai rõ ràng, các thông tin về quy trình, quyết định, kết quả xử lý vi phạm sẽ dễ dàng tiếp cận và giám sát bởi các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Việc công khai, minh bạch sẽ giúp hạn chế tiêu cực, tham nhũng, giảm thiểu các hành vi lợi dụng quyền hạn để trục lợi hoặc bỏ sót sai phạm. Ngoài ra, công khai minh bạch còn nâng cao ý thức pháp luật của cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó tự bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của chính bản thân và những người thân trong gia đình.
![]() |
Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội giao lưu với học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh Bạch Dương |
Đặt nền móng cho một hệ thống pháp luật hiện đại, nơi con người được đặt làm trung tâm
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, yêu cầu đổi mới tư duy và phương thức quản trị Nhà nước ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc khẳng định rõ vai trò của pháp luật như là trung tâm của thể chế phát triển càng có ý nghĩa then chốt.
Nghị quyết số 66-NQ/TW nhấn mạnh: công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Nhiều năm qua, thể chế luôn được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược (bên cạnh phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng).
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế còn chậm, thiếu tính đồng bộ, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn nhiều bất cập. Những tồn tại đó không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, mà còn kìm hãm đổi mới sáng tạo, giảm niềm tin pháp lý của người dân và DN, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Do đó, việc Bộ Chính trị xác định công tác pháp luật là “đột phá của đột phá” không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn, mà còn khẳng định một định hướng mang tính cách mạng về tư duy thể chế.
Trong một Nhà nước pháp quyền, pháp luật không chỉ là công cụ cưỡng chế mà còn là thiết chế tổ chức quyền lực Nhà nước, điều chỉnh quan hệ xã hội, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Không thể nói đến thể chế phát triển nếu công tác xây dựng và thi hành pháp luật không được thực hiện tốt.
Một điểm tiến bộ của Nghị quyết 66-NQ/TW là khẳng định vai trò song hành của xây dựng và thi hành pháp luật. Trước đây, nhiều cơ quan, tổ chức tập trung vào khâu ban hành luật mà xem nhẹ khâu tổ chức thực hiện. Hệ quả là nhiều đạo luật sau khi được Quốc hội thông qua lại “nằm trên giấy”, không đi vào đời sống, không phát huy được tác dụng điều chỉnh xã hội. Chính vì vậy, nhận định “xây dựng và thi hành pháp luật là đột phá của đột phá” phải được hiểu trong tính tổng thể và liên kết chặt chẽ.
Giai đoạn xây dựng pháp luật cần nâng cao chất lượng lập pháp, tăng cường phản biện chính sách, đảm bảo thực tiễn, khoa học, dân chủ, khách quan. Giai đoạn thi hành pháp luật đòi hỏi hệ thống tổ chức, cán bộ, nguồn lực và cơ chế giám sát đồng bộ để pháp luật được triển khai nghiêm minh, hiệu quả.
Ở góc độ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vai trò của pháp luật càng trở nên quan trọng. Pháp luật là công cụ để ghi nhận, bảo đảm và giới hạn quyền lực Nhà nước trong tương quan với quyền và lợi ích của người dân. Một khi pháp luật được xây dựng dựa trên tư duy “lấy con người làm trung tâm”, tôn trọng giá trị nhân phẩm và tự do, thì pháp luật trở thành bệ đỡ cho phát triển con người toàn diện.
Kỳ cuối: Quốc hội giám sát việc thực thi nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người | |
Phát triển nguồn nhân lực xây dựng pháp luật |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại