Thứ năm 23/01/2025 13:52
Thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội - "Hứa hẹn mùa quả ngọt"

Bài cuối: Mô hình chính quyền đô thị đã và đang thu được những “quả ngọt”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thị xã Sơn Tây đã và đang thu được những “quả ngọt”. Mặc dù vẫn còn những tồn tại, tuy nhiên, những kết quả đạt được sẽ là điểm tựa vững chắc để thị xã Sơn Tây tiếp tục đi lên thành đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Bài cuối: Mô hình chính quyền đô thị đã và đang thu được những “quả ngọt”
Mô hình chính quyền đô thị đã và đang thu được những “quả ngọt”. Ảnh: N.D

Mô hình chính quyền đô thị đã và đang thu được những “quả ngọt”

Theo lãnh đạo thị xã Sơn Tây, qua hơn 2 năm triển khai tại 9 phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây cho thấy, mô hình thí điểm chính quyền đô thị nhận được sự đồng thuận từ nhân dân, công chức các phường.

Những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và đội ngũ công chức UBND cấp phường theo mô hình chính quyền đô thị đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong điều hành, quản lý, thực thi nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, kết quả đo lường sự hài lòng của tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính năm 2021 tại 9 phường của thị xã đều đạt trên 98%.

Từ ngày 1/7/2021 các phường trên địa bàn thị xã đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND phường với Nhân dân, nội dung đối thoại về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết kiến nghị, phản ánh, vướng mắc liên quan đến TTHC nhất là TTHC lĩnh vực đất đai; các nội dung nhằm cải cách hành chính tại đơn vị. Tại các hội nghị, 100% các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường đã được giải quyết, các ý kiến còn lại được tiếp thu, báo cáo Thường trực HĐND, UBND thị xã.

Việc ủy quyền chứng thực cho công chức Tư pháp – Hộ tịch là bước cải cách hành chính đột phá, qua đó góp phần tháo những “điểm nghẽn”, tạo động lực nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, bồi đắp niềm tin, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây, từ 1/7/2021 đến 31/3/2023, tổng số hồ sơ chứng thực bản sao tại UBND phường là 131.136 hồ sơ. Trong đó hồ sơ chứng thực bản sao do công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực và được đóng dấu UBND phường: 105.248 hồ sơ (chiếm 80.25%); tổng số hồ sơ chứng thực chữ ký tại UBND phường là: 3.914 hồ sơ. Trong đó hồ sơ chứng thực chữ ký do công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực và được đóng dấu UBND phường: 3.869 hồ sơ (chiếm 98.85%).

“Việc ủy quyền công chức Tư pháp - Hộ tịch được ký chứng thực đã tạo điều kiện thuận lợi giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức cho tổ chức, công dân đến làm thủ tục hành chính, công dân có thể nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại UBND phường, không phải chờ đợi trong nhiều giờ hay phải đi lại nhiều lần, giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; đồng thời đã giảm tải áp lực, công việc cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường để tập trung giải quyết các nhiệm vụ khác của UBND phường.” – vị này nói.

Từ 1/7/2021, 9 UBND phường đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc thị xã. Theo đó, hàng năm, UBND phường xây dựng dự toán thu các khoản thu do phường được giao quản lý; dự toán chi ngân sách phường gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã xem xét, tổng hợp trình UBND thị xã để trình HĐND thị xã quyết định. UBND phường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách được giao; nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản phải nộp ngân sách theo quy định của pháp luật; chi đúng chế độ, chính sách, đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Những quy định mới trong mô hình chính quyền đô thị đã tăng cường hơn cơ chế trách nhiệm, phối hợp trong giải quyết và thực hiện thủ tục hành chính giữa thị xã và phường. Chủ tịch UBND phường có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của phường do mình quản lý. Việc trực tiếp quản lý, điều hành của UBND thị xã và Chủ tịch UBND thị xã đối với UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường thể hiện được sự quản lý tập trung thống nhất trong toàn thị xã, đồng thời nâng cao tính tự chủ, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường trong quá trình phục vụ người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các phường đạt hiệu quả hơn.

Mặc dù không tổ chức HÐND cấp phường nhưng quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân vẫn được bảo đảm bằng nhiều hình thức: trên các phương tiện truyền thông, thông qua các cuộc họp tổ dân phố…

Bài cuối: Mô hình chính quyền đô thị đã và đang thu được những “quả ngọt”
Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: N.D

Còn những khó khăn...

Tuy nhiên, cũng theo những người cầm cân nảy mực ở đây, mô hình chính quyền đô thị cũng còn nhiều những hạn chế. Trong quá trình triển khai, việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành Thành phố khi triển khai mô hình chính quyền đô thị còn chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ khi thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các phường; việc thực hiện các nội dung về quản lý tài chính ngân sách tại các phường còn nhiều bất cập.

Đặc biệt, đối với địa bàn thị xã Sơn Tây với đặc thù vừa có phường, vừa có xã (9 phường; 6 xã) nên khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị còn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí sắp xếp công chức từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Đặc biệt là khi bố trí công chức từ các xã lên phường phải thực hiện quy trình tiếp nhận vào công chức cần nhiều thời gian nên khó đáp ứng được ngay đối với các đơn vị đang thiếu cần bổ sung kịp thời công chức...

Theo ông Trương Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, việc chuyển đổi không đồng bộ giữa đội ngũ công chức thuộc khối chính quyền và cán bộ khối Đảng đoàn thể dẫn đến 1 đơn vị hành chính duy trì 2 chế độ công chức cũng phần nào ảnh hưởng đên tâm tư của cán bộ công chức.

“UBND phường không còn là một cấp chính quyền mà trở thành một đơn vị dự toán ngân sách nên thiếu tính chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát sinh ở địa phương. Cơ chế chi thi còn một chủ tài khoản do chủ tịch UBND làm chủ tài khoản hạn chế tính chủ động linh hoạt trong thực hiện chi ngân sách đảng, đoàn thể…” – ông Vinh cho biết.

Cùng đồng tình với ý kiến ông Vinh, ông Hà Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND phường Sơn Lộc nói rõ hơn, UBND phường không còn là một cấp ngân sách nên không có dự phòng ngân sách và kết dư ngân sách. Vì vậy, UBND phường khó chủ động trong đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách cấp trên.

“Cũng vậy, các khoản thu trên địa bản thực hiện được nộp vào ngân sách thị xã, nếu vượt chỉ tiêu không còn được tính kết dư để quay lại phát triển địa phương. Vì vậy, khó tạo động lực để các bộ phận hoàn thành vượt chỉ tiêu các khoản thu ngân sách, UBND phường thiếu hụt nguồn kinh phí thực hiện phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn” – lời ông Trường.

Để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vài trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý của Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, Hà Nội xác định, thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Trong đó, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố khẩn trương khắc phục hạn chế, tồn tại. Đồng thời, tăng cường công tác nắm bắt, hướng dẫn của cấp trên đối với cấp dưới, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra theo thẩm quyền để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, thành phố cũng kiến nghị các cấp nghiên cứu, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng quy định mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ (không tổ chức HĐND phường). Ngoài ra, bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội và tăng số lượng, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bài 3: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn Bài 3: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Bài 4: Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy Bài 4: Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động