Thứ năm 23/01/2025 08:30
Quốc hội thảo luận Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Bảo đảm tối đa quyền lợi của người tiêu dùng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về BVQLNTD.
Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật BVQLNTD (sửa đổi)
Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật BVQLNTD (sửa đổi)

Quá trình thực thi Luật đã bộc lộ một số hạn chế

Vừa qua, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật BVQLNTD (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu giải trình. Phát biểu thảo luận, các đại biểu tập trung nhiều vào vấn đề bảo vệ người tiêu dùng (NTD) yếu thế; giải quyết tranh chấp đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đạt chất lượng; kiến nghị quy định chặt chẽ các giao dịch trên không gian mạng…

Luật BVQLNTD có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật BVQLNTD đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác BVQLNTD, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động BVQLNTD tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác BVQLNTD.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật BVQLNTD để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập, sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử; phù hợp với các cam kết quốc tế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVQLNTD. Luật BVQLNTD (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều.

Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật BVQLNTD hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 6/5/2021.

Làm rõ tiêu chí NTD dễ bị tổn thương

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ vấn đề về bảo vệ quyền lợi của NTD dễ bị tổn thương. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - đoàn Ninh Thuận cho rằng: Đối tượng NTD dễ bị tổn thương là đối tượng yếu thế nên theo tôi, Ban soạn thảo cần phải quy định rõ chính sách riêng, cụ thể khi các đối tượng này bị xâm phạm quyền lợi. Khi quyền lợi bị xâm phạm thì họ đề nghị cơ quan, tổ chức cụ thể nào và cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm hỗ trợ các đối tượng này.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn - đoàn Bắc Giang, tại khoản 1, Điều 7 của dự thảo luật xác định có 5 nhóm NTD dễ bị tổn thương bao gồm là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai, sinh con hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, người bị bệnh hiểm nghèo.

Việc dự thảo luật xác định 5 nhóm đối tượng trên chủ yếu mang tính liệt kê, chưa thể hiện rõ dựa trên tiêu chí nào, cơ sở nào xác định. Vì thế, có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp để bảo vệ những đối tượng NTD dễ bị tổn thương cụ thể.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị thay vì liệt kê 5 nhóm NTD dễ bị tổn thương cụ thể nêu trên thì dự thảo luật cần xác định rõ những tiêu chí mà trong đó có 4 tiêu chí cơ bản là tiêu chí về nhận thức, hiểu biết, tiêu chí về sức khỏe, tiêu chí về điều kiện kinh tế và tiêu chí về điều kiện nơi sinh sống để trên cơ sở đó quy định 4 nhóm NTD dễ bị tổn thương và 4 nhóm này cũng chỉ có tính định hướng chung, bao gồm nhóm những người có nhận thức, hiểu biết, hạn chế, hai nhóm người bị bệnh tật, khuyết tật, nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, nhóm những người sinh sống và những nơi có điều kiện kinh tế xã hội nhiều khó khăn.

Đồng thời, cần có quy định về các biện pháp có tính đặc thù nhằm bảo vệ quyền lợi đối với nhóm NTD dễ bị tổn thương.

Cho ý kiến cụ thể đối với vấn đề giải thích từ ngữ và quảng cáo thuốc không đúng nhu cầu, đại biểu Trần Đình Gia - đoàn Hà Tĩnh cho rằng, Điều 3 khoản 1, về giải thích từ ngữ NTD có quy định: NTD là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung đối tượng NTD là các tổ chức, để đảm bảo tính bao quát của văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, các tổ chức, DN, cá nhân hiện nay đang sử dụng nhiều phương thức quảng cáo sản phẩm, bất chấp việc các đối tượng hướng đến của quảng cáo có thật sự cần đến sản phẩm đó hay không.

Nhiều tình huống do sản phẩm mua về không đúng theo nhu cầu sử dụng, gây ra tranh cãi, mâu thuẫn trong giao dịch. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tính đến những tình huống cụ thể trong quảng cáo sản phẩm, để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác BVQLNTD.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5/2023
Đề nghị bổ sung người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương Đề nghị bổ sung người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Bảo đảm hàng hóa đến được với người tiêu dùng Bảo đảm hàng hóa đến được với người tiêu dùng
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động