Ảnh
Bảo tàng Báo chí Việt Nam: không gian ký ức sống động của một thế kỷ nghề báo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện lên như một không gian ký ức sống động, lưu giữ những dấu ấn lịch sử nghề báo suốt hơn 150 năm hình thành và phát triển.
 |
Nằm tại tầng một của trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (số 6 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là một kho tư liệu sống động, nơi hội tụ những lát cắt tinh túy, chân thực nhất về lịch sử báo chí nước nhà. Sau gần ba năm chuẩn bị kể từ khi có quyết định thành lập (Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 28/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ), bảo tàng chính thức mở cửa đón khách đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (19/6/2020). |
 |
Không gian trưng bày chính rộng gần 1.500m² được chia thành 5 phần nội dung theo dòng thời gian. Mỗi phần là một chặng đường phát triển, mỗi hiện vật là một câu chuyện nghề báo được viết bằng mồ hôi, máu và cả sinh mệnh của những người làm báo cách mạng. |
 |
Mở đầu là giai đoạn 1865 – 1925, khi báo chí Việt Nam còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thực dân Pháp nhưng đồng thời đã manh nha tinh thần yêu nước và cải cách xã hội. Tờ Gia Định Báo – tờ báo in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ra đời tại Sài Gòn năm 1865 trở thành mốc son khởi đầu. Những ấn phẩm như Nông cổ mín đàm, Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Lục Tỉnh Tân Văn… góp phần định hình nền báo chí sơ khai. |
 |
Đến giai đoạn 1925 – 1945, sự ra đời của báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) được bí mật đưa về nước và giáo dục lý tưởng cách mạng, chính trị cho các tầng lớp, đặc biệt đi sâu vào tầng lớp thanh niên Việt Nam. Sự kiện này đã khai sinh báo chí cách mạng Việt Nam. Các tờ Tranh Đấu, Tin Tức, Dân Chúng... đồng loạt lên tiếng đấu tranh giải phóng dân tộc, truyền cảm hứng cách mạng. |
 |
Giai đoạn 1945-1954: báo chí trong kháng chiến chống Pháp. Những tờ báo như Cờ Giải Phóng, Sự Thật, Cứu Quốc, Vệ Quốc Quân... được in trong điều kiện thiếu thốn tại chiến khu. Đáng chú ý, bảo tàng trưng bày máy in quay tay, bản in kẽm, giấy in thô sơ, các bản thảo viết tay là những hiện vật “biết nói” về gian khổ của báo chí thời chiến. |
 |
Trong thời kì báo chí chiến khu, nền báo chí Việt Nam đón nhận sự bùng nổ và ra đời của nhiều tờ báo cách mạng hơn bao giờ hết. Tiếp sau đó, là giai đoạn 1954-1975: báo chí hai miền – một lý tưởng. Miền Bắc phát triển mạnh mẽ về báo in, phát thanh, truyền hình với lý tưởng xây dựng xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam. Trong khi đó, báo chí cách mạng tại miền Nam hoạt động bí mật, ẩn mình dưới hầm trú ẩn, rừng sâu... Những hiện vật như thẻ nhà báo bị cháy sém, máy ảnh Nikon lõm do sức ép bom hay bài viết trên giấy học trò đều trở thành chứng tích thời cuộc. |
 |
Từ năm 1975 tới nay là giai đoạn báo chí đổi mới và hội nhập. Báo chí phát triển mạnh mẽ về số lượng và loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo đa phương tiện. Bảo tàng giới thiệu các thiết bị quay phim thời kỳ đầu, những giao diện báo điện tử thô sơ đầu thập niên 2000 cùng những mô hình báo chí tương tác số thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. |
 |
Một số bức ký hoạ của lãnh tụ, Nhà báo Nguyễn Ái Quốc từ năm 1922-1942 đăng trên báo Người cùng khổ. |
 |
Có thể nhận thấy, lịch sử của nền báo chí Việt Nam với 5 phần nội dung chính, tái hiện chân thực từng chặng đường phát triển của nền báo chí nước nhà. Mỗi giai đoạn, mỗi hiện vật đều là một câu chuyện, một phần lịch sử và có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với chặng đường đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. |
 |
Bản gốc của tờ báo Thủ đô số thứ nhất ra ngày 24/10/1957 là tờ báo đầu tiên của Hà Nội, là tiền thân của báo Hà Nội Mới. Những tờ báo này đều do chính Bác Hồ định tên. |
 |
Điểm đặc biệt của Bảo tàng Báo chí Việt Nam là sự hiện diện của những hiện vật không chỉ có giá trị lịch sử mà còn chứa đựng chiều sâu cảm xúc. |
 |
Bộ máy thu phát tin được Thông tấn xã giải phóng sử dụng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
 |
Chiếc loa tuyên truyền bên bờ sông Bến Hải: dài hơn 2,1m, có công suất 500W, chiếc loa này từng là “vũ khí tâm lý” vang vọng khắp vùng giới tuyến Quảng Trị. Âm thanh của nó vang xa tới 10km, là minh chứng cho sức mạnh truyền thông thời chiến. |
 |
Những hiện vật khắc ghi lại lịch sử của nền báo chí nước nhà đã từng một thời gian khó nhưng quật cường. Trong đó có máy đánh chữ của chủ tịch Hồ Chí Minh, máy tin Ty-pô, máy quay "Ngựa Trời" được sử dụng trong buổi phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam ngày 7/9/1970. Các máy ảnh Nikon, Canon còn hằn vết bom đạn, từng theo bước phóng viên qua chiến dịch Hồ Chí Minh hay Thành cổ Quảng Trị. |
 |
Chiếc máy in Ty-pô xuất xứ Trung Quốc sản xuất năm 1966 do nhà in Việt Lập - Cao Bằng hiến tặng. Nhà in Việt Lập ra đời tại chiến khu Cao Bắc Lạng, thực hiện nhiệm vụ in truyền đơn, tài liệu và Báo Việt Nam Độc Lập - tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Qua các thời kỳ phát triển, Nhà in lần lượt mang tên Xí nghiệp in Việt Lập - Cao Bằng (từ 1951), Nhà in Khu tự trị Cao Bằng (từ 1963) và hiện nay là Công ty Cổ phần In Việt Lập - Cao Bằng. |
 |
Những tờ báo ra đời trong thời kì báo chí chiến khu, thời kì nở rộ ra đời nhiều tờ báo, có những tờ vẫn hoạt động cho tới nay và là cơ quan báo chí lớn của Việt Nam. |
 |
Những thẻ báo chí từ giấy thường in tay đến thẻ ép plastic, một số bản thảo báo viết tay trên vỏ bao xi măng, giấy gói, là minh chứng sống cho sự dấn thân, bền bỉ và tinh thần phụng sự của những người làm báo trong khói lửa chiến tranh. |
 |
Không dừng lại ở vai trò trưng bày, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn là điểm đến giáo dục, trải nghiệm và nghiên cứu. Khu tương tác số cho phép du khách thử làm phát thanh viên, biên tập viên, tham gia trò chơi kiến thức về lịch sử báo chí. Hàng nghìn hiện vật đã được số hóa, đưa lên hệ thống trưng bày ảo phục vụ công chúng và giới nghiên cứu. |
 |
Trong hành trình chuẩn bị cho dấu mốc 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), bảo tàng được xác định là điểm nhấn trung tâm. Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là một công trình lưu giữ hiện vật mà còn là một không gian văn hóa, nơi mỗi người làm báo có thể soi lại mình, hiểu rõ hơn về sứ mệnh nghề nghiệp, gìn giữ hồn cốt dân tộc qua từng câu chữ. Và với mỗi công chúng, đó là nơi để hiểu rằng: báo chí không chỉ là thông tin mà là một phần máu thịt của lịch sử dân tộc. |
| Gần 400 hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam Gần 400 hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý giá liên quan tới lịch sử báo chí đã được trao tại lễ tiếp nhận hiện ... |
| Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu quý Chính thức đón khách tham quan đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt ... |
Khánh Huy