Thứ năm 23/01/2025 06:22

Bệnh sởi có xu hướng gia tăng, sốt xuất huyết tại Hà Nội ghi nhận gần 500 ca mắc/tuần

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 28/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, bệnh nhân mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, bốn tuần gần đây, toàn TP Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến.
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Ảnh minh họa: internet
Tiêm vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Ảnh minh họa: internet

Thống kê của CDC Hà Nội cho thấy, cộng dồn từ đầu năm ghi nhận 35 trường hợp mắc bệnh sởi, không có ca tử vong, số ca mắc sởi tăng so với cùng kỳ năm 2023.

CDC Hà Nội nhận định, đánh giá bệnh sởi có số mắc đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.

Hiện nay, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát đối tượng và mời ra tiêm đối với những trẻ thuộc đối tượng tiêm trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi để phòng, chống dịch sởi theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.

Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.

Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Ngoài ra, bốn tuần gần đây, toàn TP Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến. Cụ thể, mỗi tuần ghi nhận gần 500 ca mắc, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

CDC Hà Nội dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới do dịch đến sớm hơn so với hàng năm.

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, Hà Nội có mật độ dân số cao, tỉ lệ lây nhanh, hiện Thủ đô cũng đang là điểm nóng về sốt xuất huyết Dengue ở miền Bắc với khoảng 500 ca mắc/tuần.

Trong thời gian tới, Hà Nội có số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của muỗi.

Theo CDC Hà Nội, nhiều địa phương diệt bọ gậy còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, dẫn tới nguy cơ dịch có thể bùng phát trong thời gian tới. Sở Y tế Hà Nội cũng đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền người dân tự phòng bệnh và đến cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt xuất huyết.

Khi có nhu cầu diệt muỗi, người dân có thể liên hệ đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương. Không nên mua và tự sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc.

Trước đó, ngày 21/10, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, sau một tuần triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đã có 29/30 quận, huyện, thị xã tổ chức tiêm; trong đó có 470 điểm tiêm tại trạm y tế và 22 điểm tiêm tại trường học.

Cộng dồn từ ngày 14/10 đến nay, TP đã triển khai tiêm được cho 23.296 đối tượng, trong đó có 22.777 trẻ từ 1-5 tuổi và 519 nhân viên y tế có nguy cơ cao. Cụ thể, có 21.247 trẻ được tiêm tại trạm y tế, 1.530 trẻ được tiêm tại điểm tiêm trường học.

Cũng trong tuần qua, từ ngày 18/10 đến ngày 25/10, Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp mắc não mô cầu tại Hoàn Kiếm. Bệnh nhân nam, 6 tháng tuổi, tiền sử chưa tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu, khởi phát bệnh ngày 17/10 với triệu chứng sốt cao, nôn trớ, phát ban dạng chấm li ti toàn thân, điều trị tại BV Nhi Trung ương, xuất hiện thóp phồng, xét nghiệm PCR đa mồi dịch não tủy cho kết quả dương tính với não mô cầu. Từ đầu năm 2024 ghi nhận 2 trường hợp mắc não mô cầu.

Thêm nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp trong giai đoạn giao mùa
Số ca mắc sốt xuất huyết đạt mức tăng cao nhất trong nhiều tháng qua
Hà Nội: triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi từ 14/10
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động