Thứ sáu 18/07/2025 15:44

Hà Nội tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát cơ sở kinh doanh dược sau cấp phép

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ tháng 7 đến hết tháng 12/2025, Sở Y tế Hà Nội triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở kinh doanh dược sau cấp phép trên địa bàn thành phố.
Hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung vào các cơ sở y tế ngoài công lập như bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cùng các cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc. Ảnh minh họa
Hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung vào các cơ sở y tế ngoài công lập như bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cùng các cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc. Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung vào các cơ sở y tế ngoài công lập như bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cùng các cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc. Mục tiêu là đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy chế chuyên môn do Bộ Y tế ban hành; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và khắc phục những tồn tại sau thẩm định, cấp phép.

Thông qua công tác kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ cho các cơ sở, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống y tế tư nhân.

Đối với cơ sở khám, chữa bệnh, nội dung kiểm tra bao gồm: hồ sơ pháp lý; nhân sự hành nghề; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; biển hiệu, phạm vi hoạt động, danh mục kỹ thuật được cấp phép; thực hiện quy trình chuyên môn kỹ thuật; kê đơn thuốc ngoại trú (bao gồm kê đơn điện tử); quản lý sổ sách, xử lý rác thải y tế; hoạt động quảng cáo nếu có; tình hình chấp hành các kết luận thanh tra, kiểm tra trước đó.

Đối với cơ sở kinh doanh dược, kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các tiêu chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc (GPP), Thực hành tốt phân phối (GDP); bảo quản thuốc đúng quy định; quản lý nguồn gốc thuốc, hóa đơn xuất nhập, hạn dùng, bao bì, nhãn mác; kết nối liên thông dữ liệu bán thuốc; bán thuốc theo đơn và lưu trữ đơn thuốc; hoạt động quảng cáo (nếu có); và việc khắc phục vi phạm sau thanh tra, kiểm tra trước đó.

Hoạt động kiểm tra sẽ được thực hiện theo hình thức đột xuất, không báo trước, đảm bảo tính khách quan. Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành giám sát thực tế tại cơ sở, lập biên bản, ghi nhận kết quả, đồng thời tổng hợp báo cáo trình lãnh đạo Sở Y tế phương án xử lý, xử phạt (nếu có) theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Nếu phát hiện cơ sở không đáp ứng đúng điều kiện đã được cấp phép ban đầu hoặc vi phạm quy chế chuyên môn, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo và tham mưu lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội phương án xử lý nghiêm minh. Đồng thời, các đoàn kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp kết quả và đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, gửi báo cáo về Văn phòng Sở trước ngày 20/12/2025 để tổng hợp báo cáo chung.

Việc tăng cường hậu kiểm sau cấp phép được kỳ vọng sẽ nâng cao trách nhiệm của các cơ sở y tế và kinh doanh dược trong việc duy trì chất lượng dịch vụ sau khi đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, việc kết hợp kiểm tra với tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật hướng tới không chỉ xử lý vi phạm mà còn hỗ trợ cơ sở cải thiện chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

Hà Nội siết chặt kiểm soát chất lượng thuốc cổ truyền, dược liệu
Siết chặt quản lý chất lượng và thu hồi thuốc vi phạm
Cơ sở sản xuất thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất thuốc"
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động