Thứ năm 23/01/2025 03:06

Bị sốt do chuột cắn, hai vợ chồng phải nhập viện điều trị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 22/12/2024, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hai bệnh nhân là vợ chồng N.T.P (68 tuổi) và P.T.V (61 tuổi) từ Hải Dương trong tình trạng sốt cao trên 39 độ, cơ thể gai rét, cùng vết thương phù nề, nhiễm trùng ở bàn tay.
Bị sốt do chuột cắn, hai vợ chồng phải nhập viện điều trị
Vết chuột cắn trên tay hai bệnh nhân. Ảnh: T.D

Qua khai thác bệnh sử, họ cho biết vào ngày 15/12, trong lúc đuổi bắt một con chuột, cả hai đều bị cắn vào ngón tay, gây chảy máu. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng đây chỉ là vết thương nhỏ, họ chỉ rửa bằng xà phòng và nhỏ dầu gió. Sau đó 5 ngày, cả hai xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau nhức, mê sảng, vết thương ngày càng sưng tấy. Khi tự theo dõi tại nhà không thuyên giảm, họ đến cơ sở y tế tuyến huyện, được tiêm phòng uốn ván và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, các bác sĩ chẩn đoán hai bệnh nhân mắc bệnh “Sốt do chuột cắn” (Sodoku). Với phác đồ điều trị kháng sinh tích cực, sau hơn một tuần, sức khỏe của họ đã cải thiện rõ rệt và xuất viện vào ngày 31/12/2024.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Sodoku là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc toàn thân do xoắn khuẩn Spirillum minus có trong hầu họng của chuột lây qua vết cắn. Thời gian ủ bệnh từ 3 ngày đến 2 tuần. Các triệu chứng thường gặp gồm sốt cao, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, viêm họng, viêm hạch, mệt mỏi, thậm chí mê sảng và hôn mê. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm gan, nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc và có thể dẫn tới tử vong.

Sốt do chuột cắn thường bị nhầm lẫn với bệnh dịch hạch. Tuy nhiên, dịch hạch do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lây qua bọ chét hoặc đường hô hấp, còn Sodoku lây trực tiếp qua vết chuột cắn. Ngoài ra, việc lo ngại chuột cắn gây bệnh dại hay uốn ván là chưa có cơ sở chắc chắn, nhưng vẫn cần đề phòng do điều kiện môi trường sống của chuột dễ tạo cơ hội cho trực khuẩn gây uốn ván phát triển.

Dù không phổ biến, nhưng bệnh nhiễm trùng do chuột cắn vẫn ghi nhận nhiều ca nhập viện với diễn biến phức tạp. Do đó, người dân cần chú ý phòng tránh: giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh để đồ ăn hở, tiêu diệt chuột và vệ sinh môi trường đúng cách. Khi bị chuột cắn, cần rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong ít nhất 15 phút, sau đó sát trùng bằng dung dịch thích hợp như iodine hoặc cồn 90 độ, và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị. Các biện pháp như tiêm phòng uốn ván và sử dụng kháng sinh nhóm beta-lactam có thể được áp dụng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

6 bệnh viện Hà Nội đạt cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu
Hà Nội: hơn 97% người bệnh hài lòng với dịch vụ y tế
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động