Thứ năm 23/01/2025 11:12

Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực: Đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của nam giới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 10/11, hơn 500 đại biểu đại diện các bộ, ban ngành, các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, Liên Hợp quốc, Đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu đã cùng chung tay cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.
Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực: Đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của nam giới
Đại diện các đơn vị thực hiện nghi thức nhấn nút phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023”

Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với Liên Hợp quốc tại Việt Nam và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.

Tham dự buổi Lễ có ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy Ban ban quản lý vốn Nhà nước; ông Đặng Ngọc Hòa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan trung ương, các vị Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế và Việt Nam.

Những năm qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân nói chung và ở Việt Nam nói riêng, tác động này nghiêm trọng hơn với nhóm đối tượng yếu thế trong đó có phụ nữ và trẻ em; những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống đã khiến các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng trong thời gian diễn ra đại dịch, đe dọa các thành tựu về công tác bình đẳng giới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực, nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Việc lựa chọn chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 (diễn ra từ ngày 15/11 - 15/12) thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực: Đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của nam giới
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bình đẳng giới cần sự thúc đẩy và nâng cao vai trò, nhận thức của nam giới.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, những cam kết của Việt Nam trong đảm bảo bình đẳng giới nói chung, tăng cường quyền năng và vị thế của phụ nữ nói riêng và nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông về bình đẳng giới: Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh luật pháp, chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Việc triển khai Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 và thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá những thách thức trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian tới và điều này đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta đều biết rằng đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, các thảm họa tự nhiên, chiến tranh, xung đột đều làm gia tăng bạo lực giới và làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế của các hộ gia đình. Để giảm thiểu tác động của những mối đe dọa này, việc đầu tư vào việc phòng ngừa là cực kỳ cần thiết. Đầu tư vào phòng ngừa không chỉ giúp ích cho phụ nữ, trẻ em, gia đình mà còn giúp cho nền kinh tế quốc gia khỏe mạnh và bền vững hơn”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị và mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và mỗi người dân chúng ta cùng cam kết, tham gia và có các hành động cụ thể thiết thực, hiệu quả đối với công tác bình đẳng giới, vì sự phát triển và phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

“Một thế giới hòa bình, không có bạo lực, dịch bệnh, đói nghèo, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và tràn ngập tình nhân ái là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung tay vun đắp với sự hiểu biết, trách nhiệm và tình yêu thương. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, nam giới cũng cần xây dựng được niềm tin rằng, họ có thể đảm đương và thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, là một phần của giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines chia sẻ: “Vietnam Airlines mong muốn chung tay nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động vì bình đẳng giới trong xã hội. Đây cũng là vai trò, là trách nhiệm của Vietnam Airlines với sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển bền vững chung. Chúng tôi cam kết hưởng ứng mạnh mẽ Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng những hành động thiết thực, đổi mới và sáng tạo. Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác, trao đổi với các cơ quan, tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động, lan tỏa rộng rãi những thông điệp và giá trị tốt đẹp.”

Tại sự kiện, Vietnam Airlines đã cùng Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện ký cam kết tham gia các nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ của Tổng công ty hàng không Việt Nam, qua đó trở thành doanh nghiệp thứ 174 của Việt Nam cùng với hơn 8.500 doanh nghiệp tham gia mạng lưới này trên toàn cầu. Điều này khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, mang đến cơ hội bình đẳng cho mọi giới, khai thác tối đa sức mạnh của cán bộ, nhân viên tổng công ty. Đây là yếu tố cốt lõi phát triển nguồn nhân lực, minh chứng cho việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với người lao động và cộng đồng.

Lễ phát động Tháng hành động là sự kiện mở đầu cho chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 trên phạm vi toàn quốc. Ngay sau Lễ phát động sẽ diễn ra hàng ngàn hoạt động hưởng ứng Tháng hành động do các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức trên phạm vi cả nước.

Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực: Đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của nam giới
Bà Lê Thị Lan Phương - Quản lý Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women Việt Nam cho biết, cần phòng ngừa và ứng phó chứ không chỉ là phòng chống bạo lực.

Bà Lê Thị Lan Phương - Quản lý Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women Việt Nam cho biết: “Nhiều người nghĩ là bình đẳng giới là vấn đề của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ và mọi thứ tập trung cho nữ giới nhưng nếu nam giới và những giới khác không tham gia vào thì vấn đề bình đẳng giới sẽ không được giải quyết. Chúng tôi đang hướng tới việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò của nam giới trong công tác bình đẳng giới. Phụ nữ có vai trò rất quan trọng nhưng không thể làm một mình, chúng ta phải làm cùng nhau".

Nhằm hưởng ứng cũng như góp phần lan tỏa thông điệp ý nghĩa, trong khuôn khổ Tháng hành động quốc gia, Vietnam Airlines sẽ triển khai 2 chuyến bay “Tô cam bầu trời” chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc). 2 chuyến bay đặc biệt này sẽ hòa sắc cam cùng chiến dịch “Tô cam thế giới” - đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, diễn ra trong 16 ngày, từ 25/11 - 10/12 trên phạm vi toàn cầu. Đây là lần thứ hai Hãng Hàng không Quốc gia đồng hành hưởng ứng thông qua hoạt động “Chuyến bay tô cam”.

Màu cam được chọn là màu của Chiến dịch toàn cầu về chấm dứt bạo lực giới vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Đây cũng là màu sắc gây sự chú ý cao - thể hiện cấp độ nguy hiểm và đáng báo động của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và hàng triệu trẻ em trên toàn cầu, kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan nhằm xóa bỏ vấn nạn này.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm. Qua 7 năm triển khai (2016 - 2022), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hàng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.

Hà Nội: Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, tôn vinh giá trị và vị thế của trẻ em gái
Khánh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động