Dự báo thủy văn không phải là mồi câu view
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Một chủ kênh trên tiktok đang dạy mọi người livestream dự báo thời tiết. Ảnh chụp màn hình |
Khi những cơn bão trở thành công cụ hút follow
Tối 21/7, một kênh tiktok có tên H.C.T.L đã lên sóng trực tiếp bình luận về diễn biến cơn bão Wipha. Chỉ tay vào màn hình hiển thị ảnh vệ tinh từ một ứng dụng nước ngoài, chủ kênh này khẳng định phường Hải Dương, TP Hải Phòng sẽ có mưa “cực lớn”; “Lúc này là ngày 21h TP Hà Nội đã mưa lớn rồi mà lượng nước mưa ở phường Hải Dương sẽ còn mưa lớn hơn ở TP Hà Nội”. Thậm chí kênh còn đưa ra khuyến cáo nghỉ làm, nghỉ học để tránh bão. Người livestream nhấn mạnh: “5h sáng phường Hải Dương sẽ mưa to hơn nữa vì đang chịu vùng áp thấp của cơn bão này và mắt bão sẽ càng gần”.
Không chỉ riêng H.C.T.L, hàng loạt kênh mạng khác với đủ mọi ngành nghề – từ bán hàng online, tài chính cá nhân đến hướng dẫn làm đẹp – cũng “hùa” vào livestream dự báo bão Wipha. Đáng chú ý, một số tài khoản còn livestream hướng dẫn cách… livestream dự báo thời tiết. Tài khoản tiktok T.N.C.S tuyên bố: “Các bạn thấy không? Chỉ cần livestream bão là kênh thu hút được 5 – 10 nghìn người theo dõi. Đây cũng là cách chia sẻ thông tin thời tiết làm 1 điểm nóng hiện nay để thu hút tệp khách hàng về kênh của mình”.
T.N.C.S sau đó chỉ cách truy cập vào windy.com và "dự báo" bằng cách quan sát “vòng xoay xoay” trên bản đồ mà theo người này là “tâm bão”. Phương pháp dự báo của một bộ phận tiktoker, youtuber hiện nay dường như chỉ cần… biết mở ứng dụng và nói thật tự tin!
Phần lớn các phiên livestream này đều kết thúc bằng những lời kêu gọi like, thả tim, chia sẻ, theo dõi kênh – thậm chí gắn với các đường link bán hàng online. Dự báo thời tiết đang bị biến thành một “miếng mồi câu view”, bất chấp hệ lụy đối với cộng đồng.
Dự báo khí tượng không phải trò chơi
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, dự báo thời tiết không đơn giản là nhìn bản đồ rồi suy đoán. Đó là một lĩnh vực chuyên môn sâu, đòi hỏi cả hệ thống thu thập, xử lý dữ liệu, các mô hình dự báo chính xác và đội ngũ được đào tạo bài bản. Pháp luật cũng đã có quy định rất rõ ràng về vấn đề này.
Cụ thể, Điều 21 Luật Khí tượng thủy văn nêu rõ: dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và quy trình chuyên môn. Điều 25 của Luật quy định: tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này phải có đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Như vậy, mọi cá nhân, tổ chức không có giấy phép dự báo khí tượng, nhưng vẫn đưa ra thông tin về bão, lũ, mưa lớn… trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật.
Để đưa ra một bản tin thời tiết, theo Thông tư 25/2022/TT-BTNMT về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm quy định, cần tuân thủ 8 bước chặt chẽ, từ thu thập và xử lý dữ liệu, phân tích hiện trạng, lập phương án dự báo – đến thảo luận chuyên môn, xây dựng bản tin và đánh giá chất lượng. Nội dung bản tin phải bao gồm đầy đủ: vị trí tâm bão, cấp gió mạnh nhất, ảnh hưởng vùng bị tác động, và cấp độ rủi ro thiên tai… Việc đơn giản hóa quá trình này thành "vòng xoay xoay là tâm bão" như một số tài khoản chia sẻ là vừa sai, vừa nguy hiểm.
Về vấn đề này, chiều 22/7, ông Vũ Đức Long – Trưởng phòng Quản lý Dự báo và Thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn (Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp & Môi trường) đã lên tiếng về thực trạng livestream tùy tiện, sai lệch này.
Ông Vũ Đức Long cho biết, cơ quan quản lý khí tượng rất lo ngại khi có nhiều cá nhân không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản lại tự ý livestream, phân tích bão lũ từ các ứng dụng nước ngoài mà không hiểu đầy đủ . Những hành vi như vậy không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, mà còn gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an toàn người dân và công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai của chính quyền”.
Cũng theo ông Vũ Đức Long, thông tin sai lệch có thể khiến người dân chủ quan hoặc hoảng loạn, có thể không chuẩn bị khi cần thiết, hoặc sơ tán tự phát, tích trữ quá mức, gây rối loạn xã hội và cản trở công tác điều hành. Những hành vi livestream dự báo bão sai lệch không còn dừng lại ở mức “nhiệt tình quá đà”, mà đã có dấu hiệu của hành vi phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật.
“Thông tin trong thiên tai là yếu tố sống còn” – ông Vũ Đức Long nhấn mạnh. Trong bối cảnh thiên tai ngày càng bất thường do biến đổi khí hậu, việc giữ vững một hệ thống thông tin chính xác, thống nhất là yêu cầu bắt buộc.
Người dân cần tỉnh táo trước các nguồn tin không chính thống, đồng thời theo dõi các kênh dự báo uy tín như Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Cổng thông tin Chính phủ, các bản tin của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT...
Dự báo thủy văn không phải là trend câu view. Nó là nhiệm vụ chuyên môn nghiêm túc, liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của hàng triệu người dân. Việc lợi dụng thiên tai để thu hút tương tác bằng những thông tin sai lệch không chỉ vô trách nhiệm, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật của nhiều người dân...
Việc người dân tiếp cận nhanh thông tin thời tiết trong thời đại số là điều tất yếu, thậm chí đáng khuyến khích nếu đúng mục đích. Nhưng khi những nội dung ấy đến từ người thiếu kiến thức chuyên môn, dựa trên dữ liệu chưa được kiểm chứng, và mang màu sắc giật gân, thổi phồng… thì hậu quả là rất nghiêm trọng. |
![]() | Những kỹ năng cần thiết người dân cần biết để bảo đảm an toàn sau bão |
![]() | Khẩn trương ứng phó với lũ trên sông Cả, đảm bảo an toàn cho người dân và đê điều |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại