Thứ năm 23/01/2025 10:57

Bình quân quý I/2023, CPI ước tăng khoảng 4,2 - 4,3% so với cùng kỳ năm 2022

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong quý I/2023, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều trong tháng 2 và tháng 3, do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết.
Bình quân quý I/2023, CPI ước tăng khoảng 4,2  - 4,3% so với cùng kỳ năm 2022
Dự báo CPI cả năm thấp nhất là khoảng 3,9%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước của tháng 1/2023 tăng 0,52%, tháng 2/2023 tăng 0,45%; tháng 3/2023 ước giảm 0,1% - 0,2% so với tháng trước, tăng 3,4 -3,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2023, CPI ước tăng khoảng 4,2 - 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số nguyên nhân chính khiến CPI trong 3 tháng đầu năm tăng, theo Bộ Tài chính, là do giá cả của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng khoảng 7,2% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên liệu đầu vào và giá nhà thuê, tác động làm CPI quý I tăng khoảng 1,4%; giá các mặt hàng thực phẩm tăng khoảng 4,5% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng khoảng 1%.

Học phí giáo dục tăng khoảng 11%, do một số địa phương đã kết thúc chính sách miễn, giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch trong năm học 2021 - 2022, tác động làm CPI tăng khoảng 0,6%...

Bên cạnh đó, giá điện sinh hoạt tăng 3,3%, chủ yếu sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán, tác động làm CPI tăng khoảng 0,1%; giá gạo trong nước tăng khoảng 2,2% theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ gạo nếp, gạo tẻ dịp Tết tăng, tác động làm CPI tăng 0,06%.

Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 3 tháng đầu năm 2023, như: Giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 11% theo giá thế giới, tác động làm CPI quý I/2023 giảm khoảng 0,4%. Giá gas trong nước giảm khoảng 1,8% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm khoảng 0,03%. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm khoảng 0,3% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm khoảng 0,01%.

Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm, còn nhiều yếu tố đan xen làm tăng/giảm áp lực lên mặt bằng giá. Theo đó, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, như: Giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023 - 2024 theo lộ trình.

Tổng cục Thống kê ước tính, nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI năm 2023 tăng khoảng 0,82% - 1,09%. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường, năm 2023 Tổng cục Thống kê ước điều chỉnh giá dịch vụ y tế tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,16 - 0,25%. Bên cạnh đó, giá điện, giá sách giáo khoa, giá dịch vụ vận chuyển hàng không... dự kiến có thể điều chỉnh theo lộ trình, gây áp lực lên mặt bằng giá những tháng còn lại của năm.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong quý II và tháng còn lại của năm 2023, Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động đề xuất, chuẩn bị các phương án, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường.

3 kịch bản lạm phát quý II/2023 và các tháng còn lại của năm 2023 được Bộ Tài chính dự báo. Với 3 kịch bản này, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,9 - 4,8%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,8%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,3 ± 0,5%.

Hà Nội: CPI bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước
Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu dự kiến tăng từ tháng 4/2023
Khung giá vé máy bay nội địa có thể tăng cao từ quý 2 năm 2023?
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động