Thứ năm 23/01/2025 20:11
Thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội:

Bổ sung những vấn đề mới, loại ra những nội dung không còn phù hợp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc xây dựng các nghị quyết, đề án, kế hoạch còn chậm, chất lượng một số nghị quyết chưa cao; các kế hoạch, đề án liên quan đến chuyển đổi số chưa được triển khai; việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong một số việc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” nhằm phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến; TP vì hòa bình, TP sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Ảnh: Khánh Huy
Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” nhằm phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến; TP vì hòa bình, TP sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Ảnh: Khánh Huy

Tiến tới thực hiện mô hình đầu tư công, quản trị tư nâng cao hiệu quả hoạt động nhà hát

Sau hội nghị giao ban Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 853-TB/TU về kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Theo báo cáo của Sở VH&TT Hà Nội (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội nghị đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Chỉ đạo Chương trình từ TP tới cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện chương trình đạt kết quả tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc xây dựng các nghị quyết, đề án, kế hoạch còn chậm, chất lượng một số nghị quyết chưa cao; các kế hoạch, đề án liên quan đến chuyển đổi số chưa được triển khai; việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong một số việc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp lên danh mục các sự kiện văn hóa cấp TP, quốc gia; tổ chức sự kiện tại phố đi bộ, tiến tới tổ chức thành sự kiện thường niên; giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, đánh giá việc xây dựng các nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện chương trình và khẩn trương hoàn thiện trình TP ban hành, trong đó lưu ý rà soát, đề xuất bổ sung những vấn đề mới hoặc đưa ra khỏi chương trình những nội dung không còn phù hợp.

Ban Cán sự đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy về dự án Bảo tàng Hà Nội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Sở VH&TT có trách nhiệm đánh giá thực trạng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc quyền quản lý để sắp tới phân cấp, ủy quyền, tổ chức bộ máy, tiến tới thực hiện mô hình đầu tư công, quản trị tư nâng cao hiệu quả hoạt động nhà hát; tham mưu chính thức địa điểm rạp cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long để có nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ động tham mưu UBND TP làm việc với các sở, ngành có đề án, kế hoạch số hóa liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin để triển khai thực hiện, góp phần nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của TP. Sở Du lịch tham mưu Ban Cán sự đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy những nội dung thuộc thẩm quyền để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch, trọng tâm là phát triển du lịch văn hóa và công nghiệp văn hóa.

Những hoạt động ý nghĩa trong 6 tháng cuối năm

Từ đầu năm 2022, khi tình hình dịch Covid đã cơ bản được khống chế, Sở VH&TT Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động để triển khai thực hiện Chương trình 06. Sắp tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức Tuần lễ thiết kế sáng tạo 2022 với chủ đề “Thiết kế và Công nghệ” dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 11/11 đến ngày 18/11/2022 tại Trung tâm giao lưu Nghệ thuật phố cổ 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số điểm tại khu vực trung tâm Hà Nội.

Tại Tuần lễ sẽ diễn ra nhiều hoạt động khám phá, trải nghiệm, tập huấn, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm, các hoạt động triển lãm và kết nối. Cụ thể, Tuần Lễ Thiết kế sáng tạo năm 2022 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 11/11/2022. Cùng với đó là chuỗi các hoạt động như: Trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo, trưng bày, giới thiệu hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo của các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế cùng các hoạt động trải nghiệm, không gian sáng tạo diễn ra tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Bên cạnh đó, tại Trung tâm giao lưu Nghệ thuật phố cổ 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm) sẽ diễn ra các hoạt động trình diễn nghệ thuật sáng tạo; hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu trong lĩnh vực sáng tạo; trao giải và tổng kết các cuộc thi, tôn vinh và giới thiệu các không gian sáng tạo cùng các hoạt động tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên đề.

Cũng trong tháng 8, Ban tổ chức hội thảo quốc tế “Xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo - kinh nghiệm từ các TP sáng tạo của UNESCO trong khu vực” cũng như kế hoạch tổ chức Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” 2022-2023 của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội.

Theo GĐ Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, với chủ đề “Thiết kế & Công nghệ”, Tuần lễ Thiết kế sáng tạo năm 2022 sẽ một lần nữa khẳng định sức sống và nguồn lực sáng tạo của Hà Nội; kết nối các nhà thiết kế sáng tạo trẻ trong nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hoá khác nhau nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội, ngày một phát triển mạnh mẽ cộng đồng sáng tạo. Năm 2021, vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng cũng như cộng đồng yêu nghệ thuật tại Hà Nội, góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa, nghệ thuật… tạo nền móng kết nối mạng lưới cộng đồng các nhà sáng tạo trẻ tại Hà Nội như một phần của công cuộc chuyển mình của TP.

Tiếp nối các hoạt động năm 2021 và nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các TP Sáng tạo của UNESCO đến 2025, Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo năm 2022 với chủ đề “Thiết kế & Công nghệ” sẽ nâng cao năng lực và tạo diễn đàn trao đổi, kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Từ đó truyền cảm hứng và tạo động lực cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và các đô thị bền vững ở trên toàn đất nước Việt Nam.

Tại hội thảo “Đối thoại liên thế hệ vì mục tiêu phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên Hiệp Quốc (LHQ) Việt Nam khẳng định, Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các TP Sáng tạo của UNESCO vào năm 2019 với những cam kết tạo ra nhiều cơ hội huy động nguồn lực của thanh niên để tham gia vào quá trình xây dựng TP trở thành Thủ đô Sáng tạo của Đông Nam Á.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng - GĐ Sở VH&TT Hà Nội cũng khẳng định vai trò của thanh niên là rất quan trọng cho sự sáng tạo, đổi mới và xây dựng, phát triển xã hội nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện các sáng kiến trong Hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các TP Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025 trong đó có nhiều chương trình, nội dung, cơ hội để thanh niên có thể tham gia vào chương trình Hà Nội – TP Sáng tạo.

“Trong tương lai, chúng tôi mong muốn cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ sẽ tham gia tích cực hơn nữa trong các hoạt động của TP Hà Nội trên cơ sở lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Chúng tôi cũng kêu gọi sự tham gia hợp tác từ các đối tác trong và ngoài nước để cùng nhau đem lại những chương trình có ýý nghĩa cho TP Hà Nội” - ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.

Theo Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) trong cơ quan thuộc TP Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP năm 2022. Đợt kiểm tra sẽ diễn ra vào quý 4/2022 tại các sở, cơ quan tương đương sở; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn thuộc TP; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại: các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn thuộc TP.

Nội dung kiểm tra gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch 305/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện QTƯX của CBCCVCNLĐ trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Kế hoạch 306/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 tại địa phương, đơn vị. Kiểm tra việc thực hiện QTƯX của CBCCVCNLĐ; việc chấp hành thời gian làm việc; việc tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; Việc nâng cao chất lượng thực hiện QTƯX nơi công cộng gắn với thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước, hương ước; việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động