Thứ sáu 07/02/2025 06:12
Căn bệnh “ngáo quyền lực” và hội chứng đám đông của cư dân mạng - bài cuối

"Bức tường lửa" trên mạng xã hội là chính mỗi chúng ta

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc chỉ trích, cười nhạo và tấn công của cư dân mạng tưởng như chỉ là ảo, nhưng thực tế lại để lại nhiều những hậu quả đau lòng trong cuộc sống thực.    
buc tuong lua tren mang xa hoi la chinh moi chung ta Những group theo chủ đề cho người dùng thứ quyền lực ảo
buc tuong lua tren mang xa hoi la chinh moi chung ta Từ những câu chuyện không kiểm chứng trên mạng xã hội

Hẳn không ai quên cái chết của nữ sinh Hồ Thị L. (học sinh lớp 11, Trường PTHT Nguyễn Đức Mậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Bắt đầu từ chuyện dân cư mạng lan truyền một clip với hình ảnh hai học sinh đang hôn nhau trong lớp.

Nhanh chóng nhân vật trong clip được xác định là L., theo đó những lời chỉ trích, chòng ghẹo và chê trách L cũng theo độ phát tán của clip mà tăng lên. Không chịu được áp lực từ dư luận, L đã để lại lá thư tuyệt mệnh rồi nhảy xuống ao làng tự tử.

buc tuong lua tren mang xa hoi la chinh moi chung ta
Hiện trường nơi em L tự tử bởi áp lực từ dân cư mạng. Ảnh tư liệu

Không khác mấy trường hợp của L, trước đó, trên mạng xã hội người ta lan truyền một clip nhạy cảm của nữ sinh N.T.A.T (15 tuổi, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) với bạn trai. Câu chuyện ầm ĩ trên mạng, nhiều người chửi bới, chê trách A.T, vì không chịu được áp lực, em đã tự tử để thoát khỏi những ám ảnh mang tên mạng xã hội kia.

Tiếp tục chuyện về một nữ sinh trường THCS Phạm Ngũ Lão (Ninh Hòa) “bỗng dưng” buổi sáng đến phòng y tế của trường, tưới xăng rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa cháy nhanh, do không chạy kịp nên nữ sinh này cũng bị bỏng hai chân. Điều tra nguyên nhân thì biết, trước đó, nữ sinh này có đăng một trạng thái rằng nếu cô ta gom đủ “1000 like thì đi đốt trường”. Câu chuyện tưởng chỉ là nói đùa, nhưng lại bị dân cư mạng hùa vào, kích động rồi khiêu khích… khiến cô gái đi đến quyết định “nói là làm”. Và sự việc trên đã xảy ra.

Trường hợp khác, một thanh niên ở TP Hồ Chí Minh quay clip tuyên bố: “Tối nay, 7 giờ, tôi sẽ thực hiện lời nói của tôi, tôi sẽ tẩm xăng nhảy xuống kênh Tân Hoá này.... Đặc biệt là tôi không biết bơi, nhưng tôi đã nói là nhất định là tôi sẽ làm”. Và điều kiện để cậu ta thực hiện việc kia là khi nào đủ 40.000 like. Ngay sau đó, clip trên thu hút tới 9000 bình luận và 12 ngàn lượt chia sẻ. Thậm chí nhiều người đúng giờ còn đến cầu Tân Hóa để chứng kiến việc thanh niên này tự… đốt mình.

buc tuong lua tren mang xa hoi la chinh moi chung ta
Đốt phòng y tế trường vì 1000 lượt like. Ảnh tư liệu

Và gần đây nhất, là việc dùng facebook để đăng những thông tin ảo về dịch Covid-19. Chia sẻ với báo chí, có một bác sỹ ở Bệnh viện Nhiệt đới TW đã tâm tư: “Kẻ thù của chúng tôi không chỉ là virus Corona. Áp lực chuyên môn thì ít, mà vì thứ khác thì nhiều. Chống dịch trong thời đại 4.0 gồm cả hai mặt: Tin về dịch bệnh Covid-19 được thông tin kịp thời đến người dân, nhưng đi kèm với đó là tin giả đang bị nhiều người thiếu hiểu biết tung tin thất thiệt, nhằm vụ lợi".

Cuộc chiến với các thông tin ảo trên mạng xã hội với các bác sỹ vất vả, khó khăn có khi còn hơn so với cuộc chiến với dịch Covid-19 ở thế giới thực. Bởi thông tin giả trên thế giới ảo đã tác động đến cuộc sống thật, gây nên hậu quả khó lường, như việc đổ xô đi mua khẩu trang, quảng bá đủ các loại, bài thuốc phòng bệnh Covid-19 thiếu cơ sở khoa học… Thậm chí, nhiều người mới chỉ có một trong các biểu hiện về cúm thông thường đã đến xét nghiệm với tâm lý lo sợ, khiến công tác khám chữa bệnh nhiều nơi quá tải.

Khó có thể kể hết các vụ việc với những hậu quả thực từ những thông tin thất thiệt, sai lệch… tạo ra những tội đồ trước những kết tội của cộng đồng mạnh. Ở đó, bất kể ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Từ một cậu bé vô gia cư, đến một Mạnh Thường Quân, từ một ca sĩ, diễn viên hay các chính trị gia. Và cư dân mạng, bất cứ ai cũng có thể trở thành thủ phạm, giết người bằng những bình luận vội vàng, không suy xét của mình.

Đó có thể chỉ là một nút nhấn like vô tri, một hành động share vội vã… Cái chết của nạn nhân, sự vất vả của những người ở hiện thực sẽ không khiến chúng ta suy nghĩ, mủi lòng, vì rằng tất cả những cái ấy là khuất mắt trông coi. Có lẽ do không nhìn thấy, nên người ta không nhìn thấy nỗi đau, sự tuyệt vọng của người khác chăng?!

Đã có nhiều những bài học, đã có nhiều những facebooker phải trả giá về những thông tin thất thiệt của mình, số người bị phạt, bị truy cứu trách nhiệm cũng đã tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, con số đó mới chỉ hạn chế chứ chưa thực sự giải quyết dứt điểm những câu chuyện đáng tiếc nêu trên.

Mới đây, ngày 15-04, Nghị định 15/2020 của Chính phủ về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử" bắt đầu có hiệu lực. Nghị định có quy xử phạt đối với hành vi vi phạm của người dân khi sử dụng mạng xã hội.

Theo đó, nghị định quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn…

Riêng hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.

Luật An ninh mạng đã có, tuy nhiên "bức tường lửa" trên mạng xã hội là chính mỗi chúng ta chứ không phải ai khác. Điều này đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm, đạo đức, sự tỉnh táo và có lòng yêu thương, nhân ái khi mình là một thành viên của mạng xã hội.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động