Thứ năm 23/01/2025 13:51
Hòa giải viên cơ sở:

Cần phải có khả năng thuyết phục và uy tín trong cộng đồng dân cư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong 6 năm đảm nhận công tác hòa giải với tấm lòng đầy nhiệt huyết cùng niềm đam mê công việc, cô Phương đã đem đến niềm vui cho nhiều gia đình, mang lại bình yên cho khu phố, hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Cô Nguyễn Thị Phương không chỉ làm tốt công tác hòa giải, được người dân tin yêu, nể trọng.
Cô Nguyễn Thị Phương không chỉ làm tốt công tác hòa giải, được người dân tin yêu, nể trọng.

Giỏi việc nước - đảm việc nhà

Đến tổ dân phố Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội, ai cũng biết đến cô Nguyễn Thị Phương với sự trân quý. Cô Phương không chỉ làm tốt công tác hòa giải, mà còn là một người đầy năng nổ, nhiệt huyết với các công tác xã hội.

Các hoạt động công tác Chi hội phụ nữ, Chi hội nông dân… cô đều tham gia một cách nhiệt tình, trách nhiệm. Bởi vậy, cô Phương được người dân trong khu phố tôn trọng, tin yêu, chính quyền tín nhiệm với những đóng góp của cô cho địa phương.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cô là một trong những cán bộ phụ nữ đi đầu trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn phường. Ngoài việc ngày đêm tham gia trực chốt bảo vệ vùng xanh, cô còn tham gia giải cứu rau củ quả cho bà con nông dân, phát lương thực thực phẩm cho những hộ dân khó khăn và tham gia công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19…

Dù công việc xã hội chiếm rất nhiều thời gian nhưng cô Phương vẫn lo chu tất, vẹn tròn công việc của gia đình. Nhiều người dân ở TDP Hà Trì 1 khen ngợi cô là người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Cô Phương từng đạt giải ba cuộc thi viết bài “Tuyên truyền về Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND – Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Hội LHPN quận Hà Đông trao tặng.

Hòa giải viên cần phải có kiến thức pháp luật

Cô Phương còn nhớ như in câu chuyện của gia đình ông H và bà B. Thường ngày, ông H làm nghề xe ôm, còn bà B thì tự trồng rau rồi mang bán ở chợ. Dù không dư giả gì nhưng nhưng làm được đồng nào ông H lại đổ vào rượu chè, cờ bạc… Cứ về tới nhà là hỏi vợ tiền, không đưa thì “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ. Bị đánh rất nhiều lần, tay chân, mặt mũi thâm tím, không chịu đựng nổi người chồng vũ phu, bệ rạc bà B đã không ít lần khăn gói bỏ về quê. Thế nhưng thương chồng, thương con, nguôi ngoai bà lại quay về nhà.

Nắm được thông tin, cô Phương đã nhiều lần đến nhà gặp gỡ vợ chồng ông H, bà B vừa động viên, phân tích, khuyên nhủ. Song đều không thành, bởi bà B là người kín tiếng, dù bị chồng đánh liên tục, có những lần bị ngất nhưng bà không hề kêu ca để giữ thể diện cho gia đình. Còn ông H thì luôn áp đảo lời nói của người khác…

Trong một lần đi công chuyện, gặp bà B với gương mặt thâm tím. Gặng hỏi, bà B kể, bà đi chợ bán rau về được chút tiền giấu dưới đáy bồ thóc, ông H về bắt đưa tiền nhưng bà bảo không có. Sau đó, ông H lục tìm được số tiền bà giấu nên đánh bà một trận.

Xót xa hoàn cảnh bà B, cô Phương quyết tâm tìm cách hòa giải. Sau khi đã nắm được một số điểm mấu chốt, cô Phương và BCH Chi hội phụ nữ TDP Hà Trì đã chọn thời gian thích hợp để đến gặp ông H. Phân tích cho ông H biết rằng, vợ ông là một người vợ tần tảo vì gia đình, hái rau đến thối cả móng tay chỉ mong kiếm tiền về lo cơm áo cho chồng con…

“Ông không kiếm tiền đỡ bà thì thôi, tại sao ông lại đánh người “đầu ấp tay gối” với mình ra nông nỗi ấy… lớn tuổi rồi, con cái cũng lớn hết rồi. Ông sống phải làm gương cho con cháu. Nếu ông tiếp tục hành hung vợ mình nữa, thì tôi sẽ gọi CA phường đến làm việc với ông…”, cô Phương chia sẻ.

Với phương án vừa thuyết phục bằng tình cảm, vừa “nắn” bằng pháp luật của cô Phương và BCH Chi hội phụ nữ, ông H bắt đầu xuống giọng và hứa sẽ không đánh vợ nữa. Sau đó, ông H thay đổi nhiều, chăm chỉ chạy xe ôm, phụ giúp vợ, gia đình êm ấm, khu phố trở nên yên bình hơn.

Còn nhiều vụ việc khác mà cá nhân cô Phương cùng với tổ hòa giải đã hòa giải thành. Bằng kinh nghiệm vốn có của mình, cô Phương cho biết: “Trong quá trình hòa giải tùy vào vụ việc cụ thể nhưng hòa giải viên phải nắm được nội dung việc mâu thuẫn; nắm được tâm tư, tính cách của các bên cần hòa giải để tìm ra cách hòa giải. Đặc biệt, hòa giải viên cần phải có khả năng thuyết phục, có uy tín với người dân, có kiến thức pháp luật và phải dựa vào pháp luật. Dùng những lời nói nhẹ nhàng để phân tích, giải thích cho có lý, có tình theo phương châm “đúng sai phân minh - lý tình trọn vẹn” nhằm thuyết phục cho hai bên đi đến thỏa thuận cùng hài hòa thống nhất vui vẻ và xóa tan mâu thuẫn, tranh chấp”.

Điều 7, Luật Hòa giải cơ sở quy định: Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động