Thứ năm 23/01/2025 19:17

Cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng cháy, chữa cháy

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng cháy, chữa cháy
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Quochoi.vn.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Báo cáo tại phiên họp, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là thực sự cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác này.

Việc xây dựng, ban hành Luật cũng đã được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và được đưa vào chương trình Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho biết, thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các TP lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội...

“Thực tế cũng cho thấy, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại về người và tài sản, đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn” - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều, đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy; bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…

Nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng để khắc phục những bất cập hạn chế

Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật, thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cáo sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo rất chu đáo kỹ lưỡng. Các chủ trương, chính sách trong hơn 10 năm qua cho thấy chúng ta rất quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng tình hình cháy nổ tai nạn xảy ra liên tục hàng năm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, tác động đến kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân và doanh nghiệp gắn với trật tự an toàn xã hội. Do đó cần nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng để khắc phục những bất cập hạn chế.

“Ví dụ như làm đường cũng phải tính toán để xe chữa cháy vào được, có vòi nước chữa cháy nhưng khi cần lại không sử dụng được hay xây dựng vượt số tầng cho phép nên thang chữa cháy không tới được…” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập trong quy chuẩn và đề nghị xử lý triệt để bởi người dân, doanh nghiệp rất quan tâm. Đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu cụ thể, nhất là quy định đặc thù để phù hợp công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu lên tình trạng cháy nhà dân, cháy chung cư mini thảm khốc, do đó cần có quy định cụ thể liên quan vấn đề này.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, một số quy định về giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật còn chung chung, sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng cụ thể.

Ví dụ, Khoản 13, Điều 3, dự thảo Luật quy định, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành là lực lượng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại một số cơ sở thuộc lĩnh vực có nguy hiểm về cháy, nổ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, cần làm rõ khái niệm một số cơ sở thuộc một số lĩnh vực có nguy hiểm về cháy, nổ và cụ thể các tiêu chí, lĩnh vực trong dự thảo Luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Cùng với đó, cần rà soát thêm các quy định để bảo đảm thống nhất, dễ hiểu, thuận tiện trong quá trình thực hiện.

Đề cập đến quy định về thẩm tra và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự thảo luật đang phân công cho khá nhiều cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhưng chưa có sự phân công, phối hợp giữa các đơn vị này.

"Quy định như vậy thì người dân, doanh nghiệp phải đến nhiều nơi để nộp thủ tục. Để cắt giảm điều kiện, thủ tục trong đầu tư, kinh doanh thì quy định về thẩm tra và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy cần được thiết kế phù hợp để bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Đề xuất công chứng viên được hành nghề đến 70 tuổi và quy định trong Luật
Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
Đề xuất quy định giảm mức hình phạt đối với người chưa thành niên
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động