Thứ năm 23/01/2025 20:13

Chế tài xử lý tài xế đâm vào cây xăng khiến 8 người bị thương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi gây tai nạn khiến 8 người bị thương ở cây xăng, tài xế ôtô được đưa về trụ sở CQCA đo nồng độ cồn. Kết quả, nồng độ cồn của người này vượt mức vi phạm tối đa. Với hành vi này, tài xế có thể bị xử lý thế nào?
HIện trường vụ TNGT khiến nhiều người bị thương
HIện trường vụ TNGT khiến nhiều người bị thương

Ngày 14/8, CQCSĐT CA quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Ngô Công Hán, SN 1987, trú Tổ dân phố số 2 Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", theo Điều 260, BLHS năm 2015.

Trước đó, khoảng 21h50 ngày 12/8, Ngô Công Hán điều khiển xe ô tô Honda City màu đỏ mang BKS 30H - 758.03 đi từ quán bia trên đường Láng hướng về Ngã Tư Sở, định rẽ vào đổ xăng ở cây xăng số 111 đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa.

Tuy nhiên, đối tượng bất ngờ điều khiển xe với tốc độ cao, lao về phía cây xăng đâm thẳng vào 6 người và phương tiện đang đứng chờ đổ xăng và 2 nhân viên cây xăng. Chỉ khi đâm xô lệch một trạm xăng thì Hán mới phanh xe lại. Sau đó, 6 người được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y và 2 người được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, còn Ngô Công Hán bỏ chạy vào văn phòng của cây xăng ngồi do lo sợ bị người dân xung quanh xông vào đánh.

Làm việc với CQCA, Ngô Công Hán khai nhận, khoảng 18h20 cùng ngày đã đến quán bia trên đường Láng uống rượu ăn sinh nhật bạn, sau đó điều khiển xe về nhà ở huyện Thanh Oai. Khi đi vào đổ xăng, do say rượu nên Hán đã ấn nhầm chân phanh thành chân ga nên mới gây tai nạn như trên.

CQCSĐT CA quận Đống Đa đã phối hợp Đội CSGT số 3, Phòng CSGT CA TP Hà Nội tiến hành đo nồng độ cồn của Ngô Công Hán, xác định nồng độ cồn là 0,917mg/l và 0,939mg/l.

Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và hậu quả làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có căn cứ cho thấy người điều khiển ô tô đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra hậu quả không có nạn nhân nào thiệt mạng nhưng thương tích của người bị hại từ 61 % trở lên, CQĐT có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260, BLHS 2015.

Luật sư Thái cho biết, qua thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/1l khí thở, đây là nồng độ cồn vượt quá mức cao nhất mà pháp luật quy định ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi của người tham gia giao thông. Bởi vậy, việc xác định yếu tố lỗi (không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát) và vi phạm nồng độ cồn trong trường hợp này là tương đối rõ, vấn đề còn lại là hậu quả có nghiêm trọng hay không.

Nếu có căn cứ xác định, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn giao thông gây tai nạn khiến nạn nhân tử vong; thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, người điều khiển phương tiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260, BLHS năm 2015. Nếu không có các hậu quả như trên, tài xế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tước bằng lái và phải bồi thường tiệt hại cho các nạn nhân.

Luật sư Thái cũng cho biết, trong những năm gần đây, ngành rượu, bia, đồ uống có cồn ở nước ta đang rất phát triển với tốc độ gia tăng nhanh về sản lượng. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên nguy cơ tác hại do sử dụng bia cũng ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó việc sử dụng rượu, bia quá nhiều sẽ có những tác hại vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến tinh thần, thậm chí còn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội, biết bao hệ luỵ xảy ra từ tác hại của rượu, bia.

Để ngăn chặn cũng như có những biện pháp phòng ngừa những tình trạng này, pháp luật Việt Nam đã đưa ra những quy định được đúc kết trong Luật phòng chống, tác hại của rượu, bia. Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

“Luật nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông vẫn chưa ý thức được hành vi uống rượu bia và sử dụng phương tiện. Chính vì vậy mà nhiều tai nạn đáng tiếc vẫn diễn ra, gây nhiều hậu quả thương tâm”, luật sư Thái cho biết và khuyến cáo mỗi người dân cần ý thức được sự sống phía trước và sau tay lái là vô cùng quý giá để không gây ra thảm kịch cho gia đình, xã hội chỉ vì một phút bốc đồng quá chén.

Khởi tố vụ án, tạm giữ tài xế lao xe ô tô vào cây xăng trên đường Láng
Chiếc xe 4 chỗ bất ngờ lao thẳng vào cây xăng, tông nhiều người bị thương
Tài xế mất lái khiến xe ô tô tông vào cây xăng có nồng độ cồn rất cao
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động