Thứ sáu 24/01/2025 00:28

Chính thức thông qua việc tăng lương từ 1-7-2013

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Nội dung được dư luận quan tâm nhất của Nghị quyết là việc điều chỉnh lương và Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng;

Ngày mai 12-11, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn thành viên Chính phủ

Với 453/460 đại biểu tán thành, chiều 10-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Nội dung được dư luận quan tâm nhất của Nghị quyết là việc điều chỉnh lương và Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu, thực hiện từ ngày 1-7-2013.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất.


Quản chặt các khoản chi, tránh để thất thoát, tham nhũng

Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, Quốc hội thống nhất tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 816.000 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 978.000 tỷ đồng. Như vậy, mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Với việc thông qua Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; đồng thời, bảo đảm nguồn thu trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và thu nhập của các tầng lớp dân cư, tránh giảm thu lớn do điều chỉnh chính sách thu, nhất là khi chưa có phương án bù đắp.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ kịp thời sửa đổi, hoàn thiện chính sách, chế độ, định mức không còn phù hợp với thực tế, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý, bảo đảm chi tiêu công hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch. Quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng...

Nghị quyết này của Quốc hội chỉ rõ, trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ được quy định tại Nghị quyết số 12/2011/QH13 của Quốc hội là 225.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015, căn cứ vào khả năng và hiệu quả sử dụng vốn, phát hành không quá 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2013, đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu Chính phủ đã ứng trước của năm 2013.

Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải tích cực thu hồi các khoản tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ khi thực sự cấp bách. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ.


Người làm công ăn lương có thêm thu nhập từ tháng 7-2013. Ảnh:TL


361 đại biểu QH muốn chất vấn Thống đốc ngân hàng

Ngày mai 12-11, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Dự kiến, các vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, nợ xấu, thị trường vàng, chất lượng các công trình thủy điện, điều hành giá xăng dầu, giá điện,…. sẽ chiếm thời lượng lớn và được quan tâm nhiều nhất tại các phiên chất vấn lần này. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, thì có đến 361 vị đại biểu chọn Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn, 307 vị đại biểu QH muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; tiếp đến là Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Xây dựng.

Theo kết quả tổng hợp chất vấn của đại biểu Quốc hội, tính đến chiều ngày 8-11-2012 đã có 146 ý kiến chất vấn của 68 vị đại biểu ở 39 đoàn đại biểu Quốc hội gửi chất vấn các thành viên Chính phủ. Người nhận được nhiều nhất vẫn là Thống đốc Nguyễn Văn Bình với 22 chất vấn; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận được 19 chất vấn; Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận được17 chất vấn, còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được 13 chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, tiếp thu ý kiến của đại biểu, đề nghị Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo danh sách chất vấn xin ý kiến đại biểu QH ban đầu, không có tên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được nhiều phiếu chất vấn liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng về các vấn đề bức xúc nổi lên, quan trọng trên nhiều lĩnh vực như sản xuất kinh doanh bị đình trệ, xử lý hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, ảnh hưởng đến nền kinh tế, nên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã được đưa vào danh sách chính thức trả lời chất vấn. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính, mặc dù được nhiều vị đại biểu Quốc hội lựa chọn, nhưng do trách nhiệm của Bộ trưởng liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực đã được giải quyết (như vấn đề tăng lương, thu ngân sách và phân bổ ngân sách Nhà nước…) nên đề nghị không bố trí trả lời chất vấn trực tiếp, mà sẽ tham gia giải trình làm rõ những vấn đề liên quan khi tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành khác.

Theo chương trình hoạt động chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ đăng đàn đầu tiên, tập trung trả lời các nhóm vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc chủ động và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giữ ổn định sản xuất; khắc phục những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh. Như, hàng hóa tồn kho lớn, doanh nghiệp bị giải thể nhiều; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan. Phát triển thị trường hàng hóa trong nước, ngoài nước, công tác quy hoạch và phát triển thủy điện cũng nằm trong nội dung trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Các nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng gồm trách nhiệm của Bộ trưởng trong công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản, nhất là xử lý bất động sản đóng băng, đất bỏ hoang; đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu đô thị mới. Công tác quản lý Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng thủy điện (như Thủy điện Sông Tranh 2), công trình quan trọng quốc gia; quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị; vấn đề tham nhũng, thất thoát trong ngành xây dựng; việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Luật Nhà ở.

Các vị Bộ trưởng của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Tổng thanh tra Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Các đại biểu QH cũng “sốt ruột” đề nghị Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời về trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về thị trường tiền tệ; đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu, những vụ việc tiêu cực trong ngành, vi phạm vượt trần lãi suất quy định; những vấn đề của thị trường vàng cũng được đại biểu QH đặt ra yêu cầu Thống đốc trả lời. Dự kiến, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ được chủ tọa phiên họp yêu cầu “chia lửa” với Thống đốc khi cần thiết.

Nữ thành viên Chính phủ duy nhất trong danh sách trả lời chất vấn- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời về trách nhiệm cá nhân trong việc đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó có vấn đề y đức, ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực nghề nghiệp…của đội ngũ y bác sỹ. Bên cạnh đó là công tác quản lý dược phẩm, giá thuốc, viện phí; hành nghề y, dược tư nhân, nhất là cấp phép hành nghề cho cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài; tử vong ở trẻ em, sản phụ do chất lượng khám, chữa bệnh và công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ được Quốc hội dành nửa ngày để trình bày các vấn đề liên quan tại phiên chất vấn. Sau khi các vị Bộ trưởng kết thúc phần việc của mình, sáng 14-11, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.


H.Đ

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động