Thứ sáu 30/05/2025 06:27

Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 76/CĐ-TTg ngày 28/5/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét và chủ động phòng chống thiên tai trong thời gian tới. Công điện số 76/CĐ-TTg nhấn mạnh việc không để gián đoạn trong chỉ đạo, điều hành và phòng chống thiên tai khi các địa phương đang tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh minh họa
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh minh họa

Theo nội dung Công điện số 76/CĐ-TTg, từ đầu năm 2025 đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề: 29 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hại, trong đó có 67 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Đáng chú ý, trong tháng 5/2025, nhiều địa phương đã phải đối mặt với những đợt mưa lớn kéo dài, đặc biệt là đợt mưa lịch sử tại Hà Tĩnh vừa qua đã gây ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều tối 28 đến ngày 30/5/2025, nhiều khu vực trên cả nước như Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to, cục bộ có nơi trên 250mm. Điều này kéo theo nguy cơ cao về lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất – đặc biệt nguy hiểm đối với các vùng miền núi và vùng đã từng bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong quá khứ.

Bảo đảm an toàn trước, trong và sau thiên tai trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính

Trong bối cảnh nhiều địa phương đang tập trung sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền hai cấp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, và phải chủ động hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra. Việc tổ chức lại bộ máy hành chính không được phép ảnh hưởng đến năng lực điều hành và triển khai công tác phòng chống thiên tai.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao trách nhiệm chính trong công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; yêu cầu rà soát lại toàn bộ phương án ứng phó mưa lớn, bão, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt. Các kịch bản ứng phó phải được xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời kế thừa kinh nghiệm và bài học từ các đợt thiên tai như bão số 3 (bão Yagi) năm 2024.

Các địa phương cũng phải khẩn trương rà soát, kiện toàn cơ quan và lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn tại cấp tỉnh và cơ sở, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả từ ngày 1/7/2025 – thời điểm kết thúc hoạt động của cấp huyện trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính.

Kiện toàn cơ quan thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Công điện số 76/CĐ-TTg yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc tổ chức, triển khai công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó:

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi sát diễn biến thời tiết, cung cấp thông tin kịp thời và chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó hiệu quả.

Bộ Công Thương có trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập thủy điện, đặc biệt là các hồ đập đã từng bị ảnh hưởng qua các cơn bão trước, điển hình như thủy điện Thác Bà.

Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ hướng dẫn địa phương kiện toàn cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự và tổ chức chính quyền 2 cấp, đồng thời chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng ứng cứu khi cần thiết.

Bộ Xây dựng cần chỉ đạo các địa phương rà soát và bảo đảm an toàn công trình hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch, quốc lộ dễ bị chia cắt do sạt lở, ngập lụt.

Bộ Công an xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp ứng cứu, tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Giám đốc: Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất cho Nhân dân; cập nhật thông tin, đưa tin kịp thời, chính xác khi có tình huống thiên tai để Nhân dân biết, chủ động ứng phó phù hợp.

Tất cả các hoạt động ứng phó thiên tai phải được triển khai theo phương châm “bốn tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ – với tinh thần chủ động, khẩn trương và quyết liệt nhất.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Công điện này và tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với diễn biến tình hình.

Văn phòng Chính phủ theo theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Hà Nội: bảo đảm sau sắp xếp, đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động thông suốt
Sắp xếp trụ sở, cơ sở vật chất phải minh bạch, không để xảy ra thất thoát, lãng phí
Những nội dung quan trọng từ Kết luận 157-KL/TW của Bộ Chính trị
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động