Hà Nội quyết tâm trong kiểm soát ô nhiễm môi trường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Không gian xanh mát tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy |
Những nỗ lực khắc phục khó khăn
Hiện nay, môi trường nông thôn Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nông sản an toàn, bảo tồn văn hóa làng xã, duy trì cân bằng sinh thái... Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, môi trường nông thôn Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức... Rất nhiều vấn đề phức tạp và ngày càng bức thiết khi bị tấn công bởi tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự phát triển thiếu kiểm soát của các mô hình kinh tế nông nghiệp, làng nghề, cụm công nghiệp. Hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vẫn diễn ra rải rác ở các huyện và các làng nghề truyền thống như: Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm (cũ)... Nhiều cơ sở sản xuất tại đây chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải, vẫn sử dụng các loại nhiên liệu rắn như than, củi gây phát tán bụi, khí độc hại ra môi trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, TP hiện có nhiều làng nghề và làng nghề truyền thống. Để bảo vệ môi trường, TP nỗ lực đưa các làng nghề vào khuôn khổ quản lý chặt chẽ. Đến nay, 230/327 làng nghề được công nhận đã có phương án bảo vệ môi trường, đạt 70,33%. Kế hoạch đến hết năm 2025, 100% làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc danh mục bảo vệ môi trường sẽ được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Hà Nội trong kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động sản xuất làng nghề - vốn là một trong những nguồn gây ô nhiễm đáng kể tại khu vực nông thôn.
Ngoài ra, hoạt động xử lý rác thải, mô hình nông nghiệp xanh, sinh thái; phong trào trồng cây, vườn ươm, đường hoa… cũng đang là những giải pháp hiệu quả được tích cực triển khai để môi trường nông thôn Hà Nội ngày một xanh, sạch, đẹp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, mục tiêu của TP đến hết năm 2025 là: 100% tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý; 100% tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải. Mục tiêu này sẽ giải quyết cơ bản vấn đề môi trường khu vực nông thôn trước thách thức phát triển...
Mặc dù đạt kết quả khá tích cực song môi trường nông thôn Hà Nội còn nhiều thách thức, khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực nông thôn đang bức xúc bởi hoạt động đốt rơm rạ sau mùa gặt, bụi từ công trình xây dựng, khí thải giao thông, hoạt động làng nghề và việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... còn nhiều hạn chế.
Để cải thiện môi trường nông thôn, theo ông Nguyễn Xuân Đại, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, cộng đồng, người dân. Các địa phương cần tích cực tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần kiểm soát ô nhiễm từ các làng nghề, áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, khuyến khích chuyển đổi sang các mô hình sản xuất sạch hơn, di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư. Mặt khác, TP cần xây dựng hệ thống thu gom, phân loại, xử lý rác thải phù hợp điều kiện nông thôn, khuyến khích tái chế, tái sử dụng. Hơn nữa, cần khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, hạn chế sử dụng hóa chất, áp dụng kỹ thuật canh tác thân thiện môi trường...
Tại khu vực nội thành, theo TS Hoàng Dương Tùng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội mang tính tổng hợp, bắt nguồn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nổi bật là 3 nhóm chính: giao thông, công nghiệp và hoạt động xây dựng. Hiện nay, Hà Nội có gần 7 triệu xe máy và khoảng 1,1 triệu xe ô tô - đây là lượng phương tiện đốt nhiên liệu lớn và là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế, thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm, khiến khí thải từ các phương tiện bị tích tụ, làm suy giảm chất lượng không khí nghiêm trọng.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa phát triển nóng kéo theo sự gia tăng các công trình xây dựng. Việc thi công thiếu che chắn, vận chuyển vật liệu không đúng quy chuẩn đã làm phát tán bụi ra không khí. Thêm vào đó, tình trạng đốt rác thải và phụ phẩm nông nghiệp tự phát tại các khu vực ngoại thành vẫn diễn ra phổ biến, tạo ra các làn khói đen, âm thầm bao phủ không gian sống và làm gia tăng mức độ ô nhiễm...
Giải pháp cần thiết, bảo vệ môi trường bền vững
Trước tình hình cấp bách nêu trên, Hà Nội đã chủ động đề ra hàng loạt giải pháp trong “Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn 2035”. Cụ thể, TP hướng tới mục tiêu bảo đảm ít nhất 75% số ngày có chất lượng không khí đạt mức tốt hoặc trung bình, đồng thời giảm lượng phát thải bụi PM2.5 khoảng 20%, tương đương 6.200 tấn.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh và mức tăng dân số cơ học cao. Đồng thời, TP Hà Nội giữ vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Với những đặc điểm đó, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, quá tải trong xử lý chất thải rắn và nước thải...
Chính vì thế, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô luôn là vấn đề trọng tâm, nhận được sự quan tâm của Trung ương và chính quyền TP. Đặc biệt, trong quá trình triển khai Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 và các quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn 2025 - 2030.
Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, thời gian tới, TP tập trung triển khai quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia và Quy hoạch chung Thủ đô. TP đang xúc tiến hợp tác với các tổ chức quốc tế như: C40, Ngân hàng ADB, AFD, AIT, UNDP, JICA, FES... để kêu gọi đầu tư phát triển vùng phát thải thấp, quản lý nguồn đốt mở, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông điện, năng lượng xanh... Để bảo đảm cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn không gian xanh, đất nông nghiệp, hành lang sinh thái, Hà Nội cần tập trung phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nông nghiệp với du lịch...
Hà Nội đang triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện chất lượng không khí như thực hiện các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, thúc đẩy chuyển đổi sang giao thông xanh, giám sát vệ sinh môi trường tại các công trình xây dựng... |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại