Có lý có tình dựa trên cơ sở pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHòa giải viên cần phải lắng nghe các bên tranh chấp, đồng thời, tôn trọng sự thật khách quan, công bằng, đề cao lẽ phải, tìm cách giải thích, phân tích để mỗi bên hiểu rõ đúng sai, không xuề xòa “dĩ hòa vi quý” cho xong việc.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc có lý, có tình, nghĩa là hòa giải phải dựa trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội. Trước hết cần đề cao yếu tố tình cảm, phân tích, khuyên nhủ các bên ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức: Như con cái phải có hiếu với cha mẹ; anh chị em phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau “như thể tay chân”, “chị ngã, em nâng”, “máu chảy ruột mềm”, “môi hở răng lạnh”; vợ chồng sống với nhau phải có tình, có nghĩa, “đạo vợ, nghĩa chồng”; xóm giềng thì “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”…
Khi tranh chấp xảy ra, các bên đều cho rằng mình đúng vì vậy hòa giải viên cần có lý có tình để thuyết phục, hóa giải mâu thuẫn |
Hòa giải viên phải dựa vào pháp luật để phân tích, tư vấn pháp luật, đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Thông thường, khi có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật xảy ra trong xã hội nếu không được giải quyết kịp thời dễ dẫn đến “việc bé xé ra to”, việc đơn giản thành việc phức tạp, phạm vi ảnh hưởng cũng như hậu quả của các vi phạm pháp luật và tranh chấp ngày càng lớn. Do đó, đòi hỏi hòa giải viên phải tiến hành chủ động, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật
Thời điểm là yếu tố vô cùng quan trọng đối trong công tác hòa giải. Thực tiễn rất ít trường hợp hòa giải viên chỉ tiến hành hòa giải một lần là có thể giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn được ngay mà trái lại để vận động, giúp đỡ các bên tự dàn xếp, thoả thuận chấm dứt tranh chấp, mâu thuẫn, hòa giải viên phải kiên trì, tốn nhiều thời gian, công sức gặp gỡ từng bên hoặc các bên nhiều lần để phân tích, giải thích. Hơn nữa, các bên cũng cần có thời gian phù hợp để bình tĩnh, suy ngẫm về hành vi của mình cũng như những điều hòa giải viên đã phân tích, giải thích. Vì vậy, việc lựa chọn thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải thường được tiến hành sau khi hòa giải viên đã có sự tiếp xúc trực tiếp với các bên mâu thuẫn, tranh chấp.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, việc hòa giải kịp thời, đúng lúc hoặc ngay sau khi sự việc xảy ra thì càng thuận lợi cho việc hòa giải đạt được kết quả, bởi nếu để mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài, rất có thể trở nên gay gắt, phức tạp hơn, việc giúp đỡ các bên đạt được thoả thuận sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chính vì vậy, trường hợp hòa giải viên là người trực tiếp chứng kiến tranh chấp, mâu thuẫn và xét thấy cần thiết phải hòa giải ngay thì việc hòa giải có thể được tiến hành ngay tại thời điểm và nơi xảy ra tranh chấp.
Đây là nguyên tắc khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình trong hòa giải cơ sở quy định tại khoản 4 Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại