Thứ năm 23/01/2025 11:15

Công nhận hôn nhân thực tế: Vẫn còn những vướng mắc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã công nhận hôn nhân thực tế đối với các trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987. Tuy nhiên quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc khó khăn.

Ngày 30-7, Bộ Tư pháp đã tổ chức sơ kết 5 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (HNGĐ). Theo đánh giá, thực tiễn thi hành Luật cho thấy, Luât HNGĐ đã có những quy định đột phá về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Sau 5 năm triển khai, các quy định của Luật HNGĐ đã dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới đời sống hôn nhân và gia đình của người dân; ổn định nền tảng quan hệ xã hội, các quan hệ khác có liên quan, củng cố, hoàn thiện hơn chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam; góp phần đáng kể vào việc bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật HNGĐ 2014 cũng còn những vướng mắc, khó khăn. Chẳng hạn như liên quan đến các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987, Luật HNGĐ quy định “áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết” (khoản 1 Điều 131). Do đó, về nguyên tắc những trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 được thừa nhận hôn nhân theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó và văn bản hướng dẫn pháp luật tại thời điểm này. Ví dụ, Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9-6-2000 của Quốc hội về việc thi hành hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, trong hướng dẫn thi hành Luật, còn có sự hướng dẫn chưa thống nhất về trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng. Cụ thể, việc xác định thẩm quyền của TAND và cơ quan hộ tịch về việc công nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn trước ngày 3-1-1987 không rõ ràng, chưa thực sự phù hợp. Nhiều trường hợp chung sống trong thời gian dài, có mối quan hệ nhân thân phức tạp cần có chứng cứ chứng minh và xác định chứng cứ, mặc dù các bên không có tranh chấp do tính chất phức tạp của quan hệ nên gần như cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch không thực hiện được việc công nhận hôn nhân, trong khi việc công nhận này giao cho Tòa án thực hiện thì phù hợp hơn.

cong nhan hon nhan thuc te van con vuong mac
PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao thông tin về những vướng mắc trong việc xác định tình trạng hôn nhân cho các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987

Thông tin thêm về những vướng mắc trong việc xác định tình trạng hôn nhân cho các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987, Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp về cách ghi Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì: “Nếu là trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 và vẫn chung sống với nhau mà chưa đăng ký kết hôn thì ghi “hiện tại đang có vợ chồng là bà, ông”.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật HNGĐ hướng dẫn về việc xác định người đang có vợ hoặc có chồng là: “người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 3-1-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết được xác định là người đang có vợ hoặc chồng”. “Điều này gây khó khăn khi xác nhận tình trạng hôn nhân đối với trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 chưa đăng ký kết hôn hoặc không có sự kiện vợ/ chồng của họ chết”, Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao thông tin.

Trên cơ sở những khó khăn vướng mắc, Bộ Tư pháp cho biết các cấp có thẩm quyền sẽ tiến hành rà soát, nghiên cứu để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp cần thay đổi tư duy máy móc là những vướng mắc trong quy định của Luật HNGĐ thì phải giải quyết bằng việc sửa đổi Luật này.

Việc áp dụng pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em… hoặc lồng ghép sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình trong lĩnh vực cụ thể cần được chú trọng để không chỉ góp phần khắc phục sự khuyết thiếu của Luật HNGĐ mà còn phù hợp với đặc thù của từng quan hệ pháp luật chuyên ngành và vừa bảo đảm tính llinh hoạt, thích nghi với sự thay đổi, phát triển của kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, những vướng mắc về sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật cần được giải quyết thông qua phát huy vai trò của TAND.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động