Thứ sáu 24/01/2025 04:26

Cứ bước sẽ tới, cứ đi sẽ có nhiều con đường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương vừa có buổi trò chuyện thú vị trong chương trình “Nối trọn yêu thương” (Truyền hình Nhân đạo phát sóng trên kênh VTV1 tháng 2/2023) với “chàng trai xương thủy tinh” Vũ Ngọc Anh - người truyền cảm hứng với hành trình leo bằng đầu gối lên đỉnh Lũng Cú với độ cao 1.470m so với mực nước biển, đã “phượt” khắp Việt Nam và ra mắt tự truyện của riêng mình…
Cứ bước sẽ tới, cứ đi sẽ có nhiều con đường

Giữa ngày xuân, đất trời đầy nhựa sống, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương đã cùng truyền cảm hứng khởi nghiệp trong cuộc trò chuyện đặc biệt với tác giả Vũ Ngọc Anh của cuốn sách “Không thể vỡ”. “Chàng trai xương thủy tinh” với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng kiên cường đã cùng chương trình “Nối trọn yêu thương” nhìn lại những thước phim của chính đời mình…

Nhiều người luôn sợ thất bại, nhưng…

Trần Uyên Phương hỏi: “Lần đầu tiên bị gãy xương thế nào, em còn nhớ không?” Vũ Ngọc Anh trả lời: “Lúc đó em còn nhỏ lắm, chỉ nghe bố kế lại là khi đi nhà trẻ em trèo qua cũi nên bị ngã và bị gãy xương tay, chân. Khi bó bột xong, cứ va chạm mạnh là vết thương cũ lại gãy. Lúc đó đi khám lại, gia đình mới biết em bị bệnh xương thủy tinh...”.

Ký ức những năm tháng đó của Vũ Ngọc Anh là những lần gãy xương liên tiếp. Từ khi chập chững biết đi đến năm học lớp 6, lớp 7 là lúc bị gãy xương nhiều nhất. Đến nay, Vũ Ngọc Anh đã trải qua hơn 200 lần gãy xương nên phải sử dụng đầu gối để di chuyển. Ngọc Anh chia sẻ, “con xin lỗi, lần sau con không như thế nữa” là câu cửa miệng của mình mỗi lần xương gãy. Xin lỗi vì không nghe lời bố mẹ dặn, xin lỗi vì không chịu ngồi yên, xin lỗi vì liên tiếp té ngã.

Trần Uyên Phương hỏi: “Những lần gãy xương sẽ kèm với nỗi đau, nỗi sợ, cảm giác của Vũ Ngọc Anh thế nào khi bị gãy xương quá nhiều?”. Vũ Ngọc Anh cười: “Đối mặt với những lần xương gãy là những nỗi sợ đan xen. Sợ đau, sợ bệnh viện, sợ bố mẹ buồn. Người ta nói cần trên 10.000 giờ sẽ thành công một việc nào đó. Còn em, sau hơn 200 lần gãy xương, sống với nỗi đau, sợ hãi từ bé đến nay em đã không còn sợ điều đó nữa, gãy xương cũng không cần kêu đau nữa. Đến nay thì em đã biết giữ gìn hơn, hình thành được thói quen bảo vệ chính mình tránh tối đa va chạm mạnh”.

Cảm phục hành trình vượt qua nỗi đau và sự sợ hãi của “chàng trai xương thủy tinh” Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương hỏi tiếp: “Từ chuyện của Ngọc Anh, dễ thấy nhiều người luôn sợ thất bại, không dám bước ra vùng an toàn để biến điều không thể thành có thể. Trong 2 cuốn sách của mình là “Vết nứt” và “Không thể vỡ”, Ngọc Anh muốn chia sẻ điều gì với mọi người nhất?”. “Hãy cứ làm đi, nếu không đi sẽ chẳng bao giờ bắt đầu. Mình bước được 1 bước sẽ bước tiếp được bước 2. Nếu không bước đi, cuộc sống chỉ dừng lại ở chuyện đặt câu hỏi vì sao tôi lại bị thế này? Vì sao tôi không tốt hơn được?”.

Trước câu hỏi của nữ doanh nhân Trần Uyên Phương về câu chuyện đẹp nhất khi bỏ lại sự sợ hãi, vượt qua những nỗi đau thể xác để bước ra cuộc đời, Vũ Ngọc Anh xúc động nói: “Cuộc sống thật tươi đẹp, em gặp được rất nhiều người tốt. Điều đó không giống như những điều em nghĩ khi nằm trên giường bệnh hồi nhỏ rằng, ngoài kia toàn người trêu chọc, ác ý. Em rất biết ơn mọi người”…

Không thể khuyết tật về ý chí

Người ta chỉ có thể khuyết tật về cơ thể, nhưng không thể khuyết tật về ý chí - đó là chia sẻ của Vũ Ngọc Anh về những hành trình dài. Ngày bé không đi lại được, Ngọc Anh chỉ biết lủi thủi ở nhà đọc sách báo, xem tivi với chương trình yêu thích nhất là du lịch, thế giới động vật… Chính thế giới đầy màu sắc qua màn hình tivi ấy đã luôn thôi thúc Vũ Ngọc Anh mơ về những chuyến đi. Từ một cậu bé gãy xương liên tục, không dám ra khỏi nhà, quyết định ra Hà Nội học đại học năm 21 tuổi của Vũ Ngọc Anh không chỉ gây sốc với bố mẹ mà còn trở thành bước ngoặt trong cuộc đời anh.

Ngày đầu tiên ra Thủ đô, mọi thứ khó khăn hơn nhiều trong tưởng tượng của chàng trai 8X, đặc biệt khi không có sự trợ giúp của bố mẹ. Ngọc Anh đã phải trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Từ sửa chữa điện thoại, máy tính, thiết kế đồ họa, marketing online đến thành lập công ty vận chuyển hàng hóa từ Mỹ về Việt Nam. Đã từng nghĩ đến việc trở về quê, thế nhưng ý chí và sự quyết tâm đã thôi thúc anh phải cố gắng nhiều hơn nữa. Và rồi, như một câu chuyện cổ tích, tháng 2/2016, hình ảnh “chàng trai xương thủy tinh” leo 600 bậc đá để lên tới “nóc nhà Đông Dương” Fansipan khiến nhiều người cảm phục.

Từng bậc đá đã được anh chinh phục với đầu gối mong manh của mình… Và rồi cực Bắc Hà Giang, cực Đông Khánh Hòa, cực Nam Cà Mau... cùng nhiều miền đất khác cũng đã in dấu chân của Vũ Ngọc Anh. “Chàng trai xương thủy tinh” ấy cũng đã leo bằng đầu gối lên đỉnh Lũng Cú, đã phượt khắp Việt Nam và các điểm đến ở Đông Nam Á, đã ra mắt tự truyện của riêng mình… đó là hành trình khám phá truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Cùng biến những điều không thể thành có thể

Những ký ức, những chuyến đi đều được tác giả Vũ Ngọc Anh kể lại trong cuốn sách “Không thể vỡ” và “Vết nứt”. Toàn bộ tiền bán sách được dùng để gây “Quỹ hỗ trợ phát triển bệnh nhân xương thủy tinh Việt Nam” và dự án 1.000 chiếc xe lăn cho những người không thể đi lại. Hiện giờ, Vũ Ngọc Anh đã giúp được hơn 50 trường hợp có xe lăn để di chuyển. Và trong tương lai, chàng trai 8X đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành mục tiêu. Những hành trình ấy không chỉ để đi, để khám phá mà còn là cơ hội để “chàng trai xương thủy tinh” lan tỏa tình yêu thương cho những người đồng cảnh ngộ, đặc biệt là mong muốn mọi người sẽ có cái nhìn tích cực về những người mắc chứng xương thủy tinh…

Cuộc trò chuyện giữa doanh nhân Trần Uyên Phương và Vũ Ngọc Anh vừa như gợi mở, vừa thôi thúc những ai còn lấn cấn, tự ti, mặc cảm, lo ngại thất bại, không đủ nghị lực để bước ra khỏi vùng an toàn để biến ước mơ thành hiện thực, biến những điều không thể thành có thể.

Tại sao bạn không dám thử sức mình? Tại sao bạn để nỗi sợ định hình tương lai và cuộc đời? Tại sao bạn không cho phép mình sống với những ước mơ? Tại sao bạn không tự tạo cho mình một tương lai đáng tự hào và sống hết mình với nó? Tại sao bạn không dám nghĩ tới, vươn tới những cái đích xa hơn của đời mình? Tại sao không?

Trả lời được những câu hỏi tự vấn ấy cũng có nghĩa là chúng ta biết tại sao con người có thể biến những điều không thể thành có thể và lý giải được tại sao những kỳ tích phi thường là có thật.

PV
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động