Phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ kỷ nguyên số và chuyển đổi xanh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng nhanh quy mô đào tạo các ngành STEM ở tất cả các trình độ, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực liên quan đến công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học. Ảnh minh họa |
Theo Quyết định số 1002/QĐ-TTg, mục tiêu tổng quát nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trọng tâm là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ cao được ưu tiên; tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng nhanh quy mô đào tạo các ngành STEM ở tất cả các trình độ, đặc biệt chú trọng các ngành khoa học cơ bản và các lĩnh vực liên quan đến công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học. Tỷ lệ người học các ngành STEM phấn đấu đạt 35% trong tổng số sinh viên, học viên ở mỗi trình độ đào tạo. Trong đó, ít nhất 2,5% học các ngành khoa học cơ bản, và 18% học các ngành công nghệ số. Số lượng người tốt nghiệp các chương trình đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông được đặt mục tiêu đạt 80.000 người/năm, với ít nhất 10% trong số đó có trình độ kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phấn đấu đạt 8.000 người tốt nghiệp/năm, trong đó ít nhất 20% có bằng cấp trình độ cao. Đáng chú ý, 100% chương trình đào tạo thuộc khối ngành STEM sẽ tích hợp kiến thức và kỹ năng phân tích dữ liệu cũng như trí tuệ nhân tạo – hai năng lực nền tảng trong kỷ nguyên công nghệ.
Giai đoạn 2030–2035, Đề án hướng đến nâng cao cả về số lượng và chất lượng nhân lực. Mục tiêu là đạt 100.000 người tốt nghiệp/năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó ít nhất 15% có trình độ cao. Riêng đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, con số này được nâng lên 15.000 người tốt nghiệp/năm, tiếp tục giữ tỷ lệ 20% người có trình độ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Đề án cũng đặt mục tiêu phát triển ít nhất 50 nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực STEM, trong đó có 30 nhóm tập trung vào công nghệ chiến lược, công nghệ cao được ưu tiên. Đồng thời, thứ hạng quốc tế về công bố khoa học trong các lĩnh vực STEM của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện, qua đó nâng cao vị thế học thuật và năng lực sáng tạo quốc gia.
Tầm nhìn đến năm 2045, năm 2045, nguồn nhân lực STEM trình độ cao, chất lượng cao trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực công nghệ chiến lược. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được xếp vào nhóm hàng đầu khu vực châu Á trong đào tạo và nghiên cứu các ngành STEM, nhất là các ngành về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất là tăng cường chính sách đầu tư cho giáo dục STEM, trong đó bao gồm việc sửa đổi các chính sách tín dụng ưu đãi cho người học, như mở rộng đối tượng vay, giảm lãi suất và kéo dài thời gian trả nợ.
Thứ hai, hoàn thiện các chính sách thu hút đội ngũ giảng viên giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt cho các chương trình đào tạo tài năng.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất và công nghệ trong các trường đại học, như phòng thí nghiệm hiện đại và học liệu chuyên sâu phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Thứ tư, Đề án sẽ triển khai 100 chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ tài năng và 100 chương trình đào tạo tiến sĩ tài năng gắn kết với các nhóm nghiên cứu mạnh, nhằm phát triển công nghệ chiến lược.
Thứ năm là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, tăng cường kết nối với các quốc gia, nền kinh tế phát triển, các tập đoàn công nghệ và tổ chức quốc tế.
Thứ sáu là tăng cường huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp của các cơ sở đào tạo, đầu tư từ doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo tài năng, các tiêu chí lựa chọn cơ sở và chương trình tham gia đào tạo tài năng; hướng dẫn xét chọn và giao chỉ tiêu đào tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ khoa học – công nghệ gắn với các chương trình đào tạo tài năng. Bộ Tài chính phối hợp đề xuất, bố trí kinh phí từ ngân sách để triển khai hiệu quả Đề án theo quy định.
![]() | Chuyển đổi số - Giáo dục STEM: Nền tảng cho giáo dục thông minh |
![]() | Bộ Tài chính đề xuất mức vốn cho vay hỗ trợ sinh viên ngành STEM |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại