Thứ năm 23/01/2025 10:55

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi quảng cáo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều đại biểu băn khoăn về quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức của mình...
Đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi quảng cáo
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13 về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Đề xuất giao Sở Tư pháp cấp phép hoạt động văn phòng công chứng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và cho rằng, các tài liệu trong hồ sơ dự thảo Luật đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quan tâm tới quy định về việc thành lập Văn phòng công chứng, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị, sửa đổi theo hướng không quy định việc Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép thành lập Văn phòng công chứng, giao Sở Tư pháp cho phép đăng ký hoạt động. Theo đó, Sở Tư pháp hướng dẫn các công chứng viên dự kiến thành lập Văn phòng công chứng chuẩn bị hồ sơ và các điều kiện cần thiết khác, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động, tương tự như việc thành lập các tổ chức hành nghề luật sư, đấu giá tài sản.

“Việc này nhằm tăng cường trách nhiệm của Sở Tư pháp, nâng cao việc phân cấp trong quản lý Nhà nước, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi quảng cáo
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Quốc hội

Ngoài ra, về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, có ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu giữ nguyên điều kiện, tiêu chuẩn kinh nghiệm pháp luật là 5 năm như Luật hiện hành. Bởi vì, việc rút ngắn thời gian công tác pháp luật xuống 3 năm sẽ nới rộng tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, sẽ khó bảo đảm thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển nghề công chứng được đề cập tới tại Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/11/2020 về chính sách phát triển nghề công chứng là: “Phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, gắn việc bảo đảm quyền hành nghề của công chứng viên với việc chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng”, đồng thời, chưa phù hợp với tính chất, vai trò của nghề công chứng.

Quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng

Quan tâm về về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tại điểm e khoản 1 Điều 7 của dự thảo Luật quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức của mình. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, tại điểm c, khoản 2, Mục II về định hướng phát triển nghề công chứng nêu rõ: “Khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách Nhà nước”.

Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, việc giới thiệu về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên góp phần giúp tổ chức, cá nhân, người dân hiểu biết hơn về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng; đặc biệt là ở các địa bàn có tổ chức hành nghề công chứng mới thành lập, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên xem xét lại quy định này.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định cấm công chứng viên thực hiện hành vi quảng cáo

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Quốc hội

Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng quy định này không phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và pháp luật về doanh nghiệp, hạn chế quyền của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, vì vậy, cần nghiên cứu chỉnh lý quy định này cho phù hợp.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công chứng cũng là hoạt động của doanh nghiệp, nên có quyền được quảng cáo, miễn là quảng cáo đúng sự thật, đúng theo phạm vi hoạt động của mình.

Về độ tuổi hành nghề công chứng, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng thuận với quy định trong dự thảo luật, theo đó, giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên là 70 tuổi, tuy nhiên, công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi.

Đề xuất thu thuế VAT với hàng giá trị nhỏ mua qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok… Đề xuất thu thuế VAT với hàng giá trị nhỏ mua qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng: Có nên hơn 70 tuổi? Giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng: Có nên hơn 70 tuổi?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động