Thứ sáu 24/01/2025 00:43

Đăng tải clip nhạy cảm trên mạng xã hội: Hồn nhiên vi phạm pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 9 bị hãm hiếp ở Sơn La, CA huyện Quỳnh Nhai cho biết đơn vị đang mở rộng điều tra, truy vết nguồn đăng, phát tán clip vụ việc để xác định người chia sẻ nội dung đồi trụy để xử lý theo pháp luật.
Đừng hồn nhiên chia sẻ, đăng hình ảnh, clip của người khác lên mạng xã hội kẻo vi phạm pháp luật
Đừng hồn nhiên chia sẻ, đăng hình ảnh, clip của người khác lên mạng xã hội kẻo vi phạm pháp luật

Sự việc không đáng có

Trước đó, ngày 21/3 trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh nhóm thanh niên cười đùa, hò hét với nhau, nghi vấn đang hiếp dâm tập thể một bé gái. Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 5 người liên quan đến việc hiếp dâm nữ sinh lớp 9 trên địa bàn. Mặc dù việc xuất hiện clip là một bằng chứng quan trọng để cơ quan cảnh sát điều tra có cơ sở nhưng người đăng tải không ý thức được rằng, việc họ làm như thế đã vi phạm pháp luật. Bởi hành vi phát tán hình ảnh, clip nhạy cảm của người khác lên mạng, kể cả được chính chủ đồng ý, đều là vi phạm pháp luật và có dấu hiệu cung cấp, chia sẻ thông tin dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Theo đó, Điểm b Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Cùng với đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các vấn đề như dung lượng clip bị phát tán, phương thức thực hiện hành vi và lượng người tiếp cận clip. Khi có đủ các yếu tố cấu thành, người vi phạm ngoài bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ, thậm chí còn bị phạt tù tối đa 15 năm theo quy định của Điều 326 Bộ Luật hình sự.

Tương tự, trong vụ nam sinh để lại thư tuyệt mệnh và nhảy từ trên tầng 28 xuống trước sự chứng kiến của bố đẻ, CA quận Hà Đông cũng đã thông báo truy tìm người phát tán clip cùng bức thư gửi bố mẹ của nạn nhân để xử lý theo quy định. Theo đó, cơ quan CA nhận định, đây là vụ việc đau lòng, việc phát tán clip và bức thư tuyệt mệnh lên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến những người thân của nạn nhân.

Quy định của pháp luật

Nhìn ở góc độ pháp lý, tại Khoản 1, Điều 21 của Hiếp pháp Việt Nam quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Và tại Khoản 1, Điều 32 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong bộ Luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ: cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý.

Trong trường hợp clip tự tử cùng lá thư tuyệt mệnh nêu trên nếu ai đó muốn sử dụng hình ảnh buộc phải có sự đồng ý của bố/mẹ nam sinh. Cũng theo quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì mức phạt cho tổ chức vi phạm hành vi này từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Cá nhân nếu có vi phạm mức phạt sẽ bằng ½ mức phạt đối với tổ chức. Bên cạnh đó, nếu như việc đăng tải gây hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Thu cho rằng, ngoài việc các cá nhân, tổ chức khi đăng tải hình ảnh, video, clip của người khác lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý, hoặc có dấu hiệu phát tán, chia sẻ hình ảnh dâm ô đồi trụy là vi phạm pháp luật mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Theo đó, việc lan truyền những hình ảnh nhạy cảm hoặc riêng tư sẽ gây tác động xấu đến giới trẻ. Những hình ảnh từ vụ nữ sinh lớp 9 bị cưỡng hiếp, hay vụ nam sinh tự tử lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội có thể kích động, khiến phát sinh những suy nghĩ và hạnh động tiêu cực.

Những hình ảnh này có thể khiến các em có thể suy nghĩ theo, học theo bởi các em chưa thể có những suy nghĩ chin chắn như người lớn. Đồng thời, việc thông qua những video, clip để mạt sát, xúc phạm danh dự nhân phẩm nạn nhân hoặc người thân cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này cũng sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cùng quan điểm với luật sư Bùi Quang Thu, nhưng luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Văn phòng Luật sư Phúc Thọ còn cho rằng, hiện nay có rất nhiều người vi phạm pháp luật mà không hề ý thức được điều đó. Nhất là giới trẻ. Hồn nhiên cho rằng đó là chỉ là trò đùa, cũng hồn nhiên cho rằng khi đăng tải clip này, video kia chỉ đơn thuần để câu like hoặc tăng thêm lượng người theo dõi mà không ý thức được rằng mình đang vi phạm pháp luật. Việc này bởi sự thiếu hiểu biết pháp luật, bắt nguồn từ nền giáo dục Việt Nam còn quá hình thức, chỉ mải chạy theo kiến thức mà bỏ quên những kỹ năng mềm, những điều cần trang bị cho các em khi hành xử trong cuộc sống.

Để giải quyết các vấn đề trên, theo luật sư Hùng là việc không thể một sớm, một chiều. Theo đó, bên cạnh việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, các ngành chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đông đảo người dân nắm rõ và thực hiện, nhấn mạnh vào những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Khi người dân nắm luật, hiểu luật thì chắc chắn sẽ hạn chế được các hành vi vi phạm pháp luật.
Cảnh báo tình trạng lừa đảo, kêu gọi tiền từ thiện trên mạng xã hội
Câu chuyện mới với những chiêu trò cũ
Có nên chủ động nói về giới tính cho con trẻ?
Đề cập vấn đề “nóng” về ứng xử với cha mẹ, đề thi học sinh giỏi Văn "làm mưa làm gió" mạng xã hội
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động