Thứ hai 14/07/2025 15:29
Luật Thủ đô 2024

Quy định về hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong khu vực TOD

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đang lấy ý kiến Nhân dân về Nghị quyết của HĐND quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với khu vực TOD (thực hiện khoản 4 Điều 31 của Luật Thủ đô 2024).
Tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Xác định mức thu đối với các khoản tăng thêm trong khu vực TOD

Nghị quyết quy định chi tiết về tiền thu, phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện, quản lý và sử dụng việc thu tiền đối với các khoản thu giá trị tăng thêm trong khu vực TOD do phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, bao gồm cả các khu vực TOD đã được phê duyệt quy hoạch theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 31 Luật Thủ đô; quy định khung nguyên tắc hướng dẫn thực hiện các công cụ khai thác giá trị tăng thêm; cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực quỹ đất, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân để phát triển hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực TOD TP Hà Nội; quy định khung nguyên tắc thành lập Quỹ phát triển Đường sắt đô thị và TOD TP Hà Nội.

Nguyên tắc áp dụng, các khoản thu không trùng lặp với các loại thuế, phí hoặc các khoản thu khác theo quy định của Pháp luật hiện hành hoặc các khoản thu khác trong cùng khu vực TOD; các khoản thu trong khu vực TOD là một phần của quy hoạch TOD, được công bố, quản lý và sử dụng bởi cơ quan ban hành quy hoạch TOD.

Các khoản thu được áp dụng linh hoạt đối với toàn bộ hoặc một khu vực giới hạn nhất định thuộc khu vực TOD; các khoản thu có thể triển khai chi tiết tới từng ô đất thuộc khu vực TOD; tuỳ theo vị trí địa lý, hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng phát triển của từng ô đất thuộc khu vực TOD, cơ quan có thẩm quyền có thể đề xuất áp dụng hoặc không áp dụng các khoản thu.

Các khoản thu trong khu vực TOD phải đảm bảo được xem xét tổng thể, hướng tới sự hài hòa lợi ích của TP, tổ chức, cá nhân và sự hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư, nhà phát triển, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia triển khai thực hiện các dự án TOD. Đảm bảo sự công bằng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các tổ chức, các nhân kinh doanh trong cùng khu vực TOD; các khoản thu phải được căn cứ trên cơ sở phân tích đánh giá các dữ liệu có độ tin cậy cao, được duy trì và cập nhật trong suốt quá trình áp dụng khoản thu nhằm theo dõi hiệu quả khoản thu và thực hiện điều chỉnh khi cần thiết; danh mục các khoản thu ưu tiên được cập nhật và đề xuất điều chỉnh hàng năm bởi cơ quan thường trực hội đồng đường sắt đô thị và TOD căn cứ trên thực tế triển khai thực hiện, được thẩm định bởi hội đồng phát triển đường sắt đô thị và TOD, UBND TP Hà Nội phê duyệt và ban hành; các khoản thu theo quy định tại Nghị quyết này được nộp 100% vào Quỹ Phát triển Đường sắt đô thị và TOD của TP để đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu vực TOD.

Hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong khu vực TOD

Theo dự thảo Nghị quyết, hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong khu vực TOD phải đảm bảo tối ưu hoá tổng thể lợi ích có được từ việc phát triển đường sắt đô thị và các đô thị khu vực xung quanh nhà ga đường sắt đô thị; các dự án hợp tác phát triển trong khu vực TOD thực hiện phải đảm bảo vai trò chủ đạo của UBND TP Hà Nội, Hội đồng đường sắt đô thị và TOD TP Hà Nội trong việc ra quyết định hoặc triển khai các chính sách nhằm đảm bảo các mục tiêu TOD xuyên suốt quá trình thực hiện.

Tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, mua sắm công, Luật Thủ đô và Luật đầu tư theo Phương thức đối tác công tư; đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc phát triển TOD; tuân thủ các quy định về chỉ dẫn quy hoạch gắn với khu vực TOD, ô đất thuộc TOD và các quy định khác trong quy hoạch TOD; bảo đảm đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, nhà phát triển, người sử dụng và cộng đồng; hợp tác phát triển có thể thực hiện trên tài sản công hoặc tài sản tư nhân (bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) hoặc hỗn hợp cả tài sản công và tài sản tư nhân; hợp tác phát triển được thực hiện theo cơ chế linh hoạt, chia sẻ chi phí, chia sẻ rủi ro và lợi ích.

Đối với việc hợp tác dựa trên tài sản công sẽ được triển khai theo các hình thức hợp tác công tư theo quy định pháp luật đối tác công tư. Cơ quan thường trực Hội đồng đường sắt đô thị và TOD được phép đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù cho từng dự án hợp tác phát triển, nhưng phải tuân theo các nguyên tắc quy định tại Điều 13 Nghị Quyết này.

Các hình thức hợp tác phát triển trên tài sản công gồm: bán hoặc cho thuê tài sản công: Nhà nước giao hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng tài sản công hoặc cho cho thuê tài sản công phục vụ kinh doanh thương mại hoặc vận hành dịch vụ công tại khu vực TOD; bán hoặc chuyển nhượng quyền phát triển: Nhà nước giao hoặc thỏa thuận với đơn vị tư nhân về quyền phát triển, kinh doanh tài sản hoặc dịch vụ công trên cơ chế chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.

Đối với hợp tác phát triển trên tài sản tư nhân nằm trong khu vực TOD và khu vực quy hoạch TOD và được đánh giá có ảnh hưởng quan trọng đến mục tiêu phát triển Khu vực TOD, Nhà nước và tổ chức, cá nhân thỏa thuận về điều chỉnh quyền phát triển hoặc thay đổi các chỉ tiêu sử dụng đất đảm bảo gia tăng lợi ích tư nhân đồng thời tạo ra giá trị đóng góp của tổ chức, cá nhân cho Nhà nước thông qua các khoản đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp qua xây dựng các công trình tiện ích có giá trị tương đương.

Các hình thức hợp tác phát triển trên tài sản tư nhân như: yêu cầu đóng góp đối với các chủ sở hữu tư nhân: Nhà nước yêu cầu các đơn vị tư nhân thực hiện các trách nhiệm chia sẻ lợi ích hoặc tham gia các hoạt động dịch vụ công trên tài sản tư nhân do được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông công cộng công hoặc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khu vực TOD; điều chỉnh quyền phát triển: Nhà nước thực hiện các điều chỉnh hoặc nới lỏng các chỉ tiêu kiểm soát phát triển tại khu vực TOD cho phép tư nhân tăng cơ hội phát triển (tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi chức năng sử dụng đất,…), đổi lại các chủ sở hữu tư nhân thực hiện trách nhiệm đóng góp cho Nhà nước.

Đối tượng miễn giảm tiền thu

Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng miễn giảm tiền thu diện tích sàn tăng thêm được quy định: miễn tiền thu diện tích sàn tăng thêm đối với các công trình: trường học, công trình y tế, công trình nhà ở cho lực lượng vũ trang Nhân dân, công trình của Nhà nước phục vụ di dời tái định cư; giảm 50% số tiền thu từ diện tích sàn tăng thêm đối với các trường hợp công trình xây dựng nhà ở xã hội.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được miễn, giảm tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm theo quy định của pháp luật mà nay chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì: tổ chức, cá nhân trong nước đã được miễn, giảm tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm theo quy định tại điểm a) b) khoản 1 Điều này mà nay chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật thì phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với số tiền thu từ diện tích sàn tăng thêm đã được miễn, giảm tại thời điểm cấp giấy phép xây dựng, hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Việc tính số tiền thu đối với diện tích sàn tăng thêm đã được miễn, giảm phải trả cho Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị Quyết này theo chính sách và giá đất tại thời điểm thời điểm cấp giấy phép xây dựng, hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

TOD sẽ mang lại lợi ích hài hòa cho cả người dân, DN và Nhà nước, đồng thời kết nối Hà Nội với các không gian tăng trưởng mới. Việc theo đuổi mô hình TOD cũng thể hiện sự quán triệt sâu sắc các định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, được nêu rõ trong hàng loạt Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam

Khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025
Hà Nội điều chỉnh tăng giá vé tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội từ ngày 1/8
Hà Nội sẽ triển khai vé đa phương thức, hiện đại hóa giao thông công cộng
Gia Khánh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động