Thứ năm 23/01/2025 05:59

Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ban Quản lý xác định phát huy tốt vai trò đầu mối quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, đồng hành và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp.
KCN Phú Nghĩa, huyện Chuwong Mỹ, Hà Nội. Ảnh: T.L
KCN Phú Nghĩa, huyện Chuwong Mỹ, Hà Nội. Ảnh: T.L

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với tổng diện tích 1.348ha và tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 733 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 9,3 tỷ USD quy đổi. Trong đó, có 310 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 7,4 tỷ USD và 423 dự án có vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với gần 45.000 tỷ đồng. KCN của Hà Nội đã thu hút các nhà đầu tư đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng và sức hút của các KCN Hà Nội trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, năm 2024, đơn vị đã tham mưu TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, để thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường. Tham mưu thành lập 2-5 KCN mới giai đoạn 2021-2025, trong đó năm 2024 có 2 khu công nghiệp được thành lập, 1 KCN đã hoàn thiện hồ sơ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ; đưa tổng số KCN thành lập mới trong nhiệm kỳ lên 5 KCN.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các KCN trọng điểm như: Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp… Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện, với nhiều thủ tục được đơn giản hóa, giải quyết trực tuyến.

Riêng năm 2024, tổng vốn đầu tư thu hút vào các khu công nghiệp đạt 768 triệu USD quy đổi (trong đó, vốn FDI đạt 380,65 triệu USD), tăng 28% so với năm 2023.

Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, năm 2025, Ban Quản lý xác định phát huy tốt vai trò đầu mối quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN, đồng hành và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và thông thoáng. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp để triển khai các dự án hạ tầng KCN theo quy hoạch được duyệt.

Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng khu công nghiệp mới được thành lập, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao. Chú trọng các dự án đầu tư chiến lược có hàm lượng công nghệ cao, nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của Hà Nội.

"Việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Hà Nội không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội chung của Thủ đô, mà còn làm thay đổi cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước…" - ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Với tổng vốn đăng ký 250 triệu USD, trên diện tích khoảng 199,03 ha tại quận Bắc Từ Liêm, dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Ailen tại Việt Nam. Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng của dự án sẽ cơ bản được hoàn thành trong năm 2025. Doanh nghiệp sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư và xây dựng theo quy định và bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng của dự án.

Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là khu công nghiệp cao hiện đại và tiên tiến tầm cỡ khu vực, nơi sẽ trở thành trung tâm quy tụ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới theo xu hướng của thế giới, trong đó trọng tâm là công nghệ sinh học, với các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở đào tạo, nhà máy sản xuất và giao thương sản phẩm.

Hà Nội: Đến năm 2030, 100% khu công nghiệp có nhà ở cho công nhân
Hà Nội: sẽ có thêm 8 cụm công nghiệp mới
Hà Nội: hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động