Chọn kịch bản tăng trưởng cao, tạo đà cho kinh tế bứt phá
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh Nhật Bắc |
Hai kịch bản, một mục tiêu chung
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã đưa ra hai phương án tăng trưởng cụ thể, phản ánh tư duy chủ động, linh hoạt nhưng cũng rất quyết liệt của cơ quan điều hành tài chính quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều bất định, việc xây dựng và lựa chọn đúng kịch bản tăng trưởng phù hợp là yếu tố then chốt để Việt Nam giữ vững đà phục hồi và tiến tới giai đoạn phát triển mới bền vững hơn.
Theo Bộ Tài chính, kịch bản 1 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8%, trong đó quý III đạt 8,3% và quý IV đạt 8,5%. Nếu thực hiện thành công, quy mô GDP cả năm sẽ vượt 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD. Kịch bản này gần tương đồng với Nghị quyết 154/NQ-CP mà Chính phủ đã ban hành. Tuy nhiên, trong kịch bản 2, Bộ Tài chính cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ hơn khi đưa ra mục tiêu GDP tăng 8,3–8,5%. Để hiện thực hóa, quý III cần tăng trưởng từ 8,9–9,2%, và quý IV từ 9,1–9,5%. Khi đó, quy mô GDP có thể vượt 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 5.020 USD.
Quan trọng hơn, đây không chỉ là các con số, mà là định hướng chiến lược dài hạn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Chúng ta cần nỗ lực vượt mục tiêu tăng trưởng 8%, tạo nền tảng vững chắc để năm 2026 đạt tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên”. Để phục vụ hai kịch bản này, Bộ Tài chính đã tính toán kỹ lưỡng các chỉ tiêu động lực. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm theo kịch bản 2 phải đạt khoảng 111 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với kịch bản 1. Trong đó, vốn đầu tư công cần được giải ngân khoảng 28 tỷ USD (tương đương 700 nghìn tỷ đồng), đạt 100% kế hoạch năm.
Khu vực kinh tế tư nhân dự kiến đầu tư 60 tỷ USD, vốn FDI giải ngân khoảng 16 tỷ USD, và các hình thức đầu tư khác đạt khoảng 7 tỷ USD. Đây là những con số đầy thách thức, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương và khối DN. Trong lĩnh vực tiêu dùng, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 12% trở lên; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm tăng tối thiểu 16%. CPI bình quân được kiểm soát ở mức 4,5–5%, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và sức mua trong dân.
Để đạt được mục tiêu trong kịch bản 2, các địa phương đầu tàu được giao chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 25/NQ-CP. Chẳng hạn, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần tăng 8,5% (cao hơn lần lượt 0,5% và 0,4%), Quảng Ninh tăng 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên tăng 8%...Các tập đoàn, tổng công ty, DN Nhà nước cũng được yêu cầu tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm. Đây là nhóm có khả năng dẫn dắt thị trường, lan tỏa sức tăng trưởng đến khu vực tư nhân và toàn nền kinh tế. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cũng được đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (dự kiến khoảng 16%) khi cần thiết, để bảo đảm dòng vốn chảy vào đúng lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng, công nghệ số, nhà ở xã hội...
![]() |
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng |
Bộ Công Thương chủ động hỗ trợ các chỉ tiêu lớn
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, ngay từ đầu năm 2025, Bộ đã xây dựng kịch bản tăng trưởng ngành tương ứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 140/CĐ-TTg. Cụ thể, ngành Công Thương được giao các chỉ tiêu lớn như: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,5%, điện sản xuất và nhập khẩu tăng 12,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12%... Trong 6 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu đã tiệm cận hoặc vượt kế hoạch, song vẫn còn chỉ tiêu như IIP và thị trường trong nước chưa đạt kỳ vọng do mục tiêu đề ra rất cao. Do đó, Bộ đã đề xuất 5 nhóm giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.
Một là, hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh xây dựng văn bản hướng dẫn các Luật mới, trong đó có Luật Thương mại điện tử, Luật Hóa chất sửa đổi, và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả sửa đổi. Hai là, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và năng lượng, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc tại các dự án quan trọng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch điện VIII, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Ba là, ổn định thị trường trong nước, hỗ trợ DN chuyển đổi số, đồng thời theo dõi sát giá cả hàng hóa, nhất là nhóm hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời. Bốn là, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, tăng cường quản lý hoạt động trên không gian mạng, phối hợp xây dựng các Luật mới liên quan đến quảng cáo, chất lượng hàng hóa, giao dịch số... Năm là, đẩy mạnh xuất khẩu, chủ động đàm phán các hiệp định thương mại mới, xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, hỗ trợ DN nhỏ vượt rào cản kỹ thuật và tăng cường năng lực thương hiệu.
Không chỉ dừng ở năm 2025, Bộ Tài chính còn đưa ra kịch bản tăng trưởng năm 2026, với mục tiêu đạt từ 10% trở lên. Điều này đòi hỏi ngay từ bây giờ, các ngành, các cấp cần rà soát chỉ tiêu, chuẩn bị nền tảng sản xuất, đầu tư, tiêu dùng và thương mại đủ mạnh để bứt phá. Việc chọn kịch bản tăng trưởng cao cho năm 2025 không chỉ là biểu hiện của quyết tâm chính trị mà còn là hành động chiến lược. Một nền kinh tế đang chuyển mình cần những cú huých mạnh mẽ, và bài toán tăng trưởng hai con số sẽ chỉ thành hiện thực nếu mọi nguồn lực được huy động hiệu quả, với một tinh thần hành động quyết liệt và nhất quán từ T.Ư tới địa phương, từ khối công đến khối tư.
Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm, gồm: tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 17% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. |
![]() | Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô Với nền tảng tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ và dòng khách du lịch quốc tế trở lại sôi động, Hà Nội đang tận dụng ... |
![]() | Hà Nội với quyết tâm đạt tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên Sáu tháng đầu năm 2025, Hà Nội ghi dấu sự tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ... |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại